Quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn trước phép thử mới

Mặc dù thế giới đã dự đoán về một số động thái chính sách thương mại mới của Mỹ, nhưng quyết định của ông Trump về việc sử dụng các biện pháp chống lại Ấn Độ đã khiến nhiều người bất ngờ.
Quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn trước phép thử mới ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Ahmedabad, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Theo Trang mạng globaltimes.cn, Mỹ có kế hoạch chấm dứt cơ chế ưu đãi thương mại với Ấn Độ, với lý do rằng chính phủ Ấn Độ “không đảm bảo cho phía Mỹ rằng họ sẽ trao cho Mỹ quyền tiếp cận hợp lý và công bằng tới thị trường Ấn Độ.”

Việc loại Ấn Độ khỏi chương trình Hệ thống Ưu đãi Tổng thể (GSP) sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi Mỹ thông báo với Ấn Độ.

Mặc dù thế giới đã dự đoán về một số động thái chính sách thương mại mới của Mỹ, nhưng quyết định của ông Trump về việc sử dụng các biện pháp chống lại Ấn Độ đã khiến nhiều người bất ngờ.

Động thái như vậy dường như “đẩy Mỹ vào thế khó” khi Mỹ đang được kỳ vọng đóng vai trò trung gian hòa giải vào thời điểm Ấn Độ và Pakistan đang vật lộn với những căng thẳng được kích động bởi vụ tấn công ở Pulwama.

Các biện pháp thương mại có chọn lọc của ông Trump chống lại Ấn Độ chắc chắn sẽ làm tổn hại tới lòng tin chiến lược giữa Washington và New Delhi.

Nhiều người có thể lập luận rằng các hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ theo cơ chế ưu đãi thương mại chỉ có giá trị 5,6 tỷ USD và sẽ không làm thay đổi đáng kể quan hệ thương mại.

Tuy nhiên, tác động ở đây là rất nghiêm trọng. Động thái này minh chứng cho dự báo của các chuyên gia từng cho rằng Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc chiến thương mại của Mỹ.

Trên thực tế, người ta đã nhận thấy một số dấu hiệu ban đầu. Cuối tháng 2/2018, chính quyền Trump đã bắt đầu cân nhắc về các cải cách thuế và đến tháng 3/2018 tuyên bố đánh thuế vào các sản phẩm nhôm thép nhập khẩu.

New Delhi cho rằng Ấn Độ và Mỹ là “đồng minh tự nhiên” và họ không gây ra bất kỳ “đe dọa an ninh” nào cho Washington với việc đơn thuần bán cho họ một lượng nhỏ nhôm thép trị giá 240 triệu USD.

Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là một trong các quốc gia không bị áp thuế trong thông báo hồi tháng 5/2018. Ấn Độ bị đưa vào danh sách theo dõi tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 4/2018.

[Ấn Độ: Việc Mỹ chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan không gây tác động lớn]

Mặc dù giới quan sát cho rằng Ấn Độ không có nguy cơ bị coi là nước thao túng tiền tệ và không cần lo ngại về các biện pháp trừng phạt lớn của Mỹ trong ngắn hạn, nhưng mâu thuẫn giữa hai bên có thể sẽ gia tăng dưới cái nhìn thương mại ngày càng cực đoan của Mỹ. Có thể nói rằng các mục tiêu và đường hướng chính sách thương mại toàn cầu của chính quyền Trump lựa chọn đã rõ ràng.

Chính quyền Mỹ đã không ngừng thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ kể từ năm 2018. Mỹ đòi hỏi các nước đối thủ, cũng như đồng minh gồm Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, và các đối tác như Ấn Độ, phải đưa ra nhượng bộ ngay cả khi Mỹ tìm cách đóng cửa các thị trường của họ.

Sự khác biệt căn bản giữa Ấn Độ và Mỹ đó là về cách tiếp cận với thương mại toàn cầu. Là một nền kinh tế đang nổi, Ấn Độ cần bảo vệ các nền công nghiệp non trẻ của họ trong thương mại toàn cầu và bước vào thị trường của các nước phát triển với lợi thế nguồn nhân công giá rẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, ông Trump tin rằng Mỹ không có nghĩa vụ phải giúp đỡ các nước đang phát triển và áp dụng cách tiếp cận “được ăn cả, ngã về không” trong thương mại quốc tế. Điều này sẽ đẩy chính phủ Ấn Độ vào thế khó hơn Trung Quốc trong tranh chấp thương mại với Mỹ.

Không giống như Trung Quốc, ngành sản xuất của Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và cần nhiều ưu đãi của chính phủ. Chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng mới chỉ bắt đầu, và một số ngành công nghiệp non trẻ vẫn chưa thể chống chọi trước các nguy cơ.

Ấn Độ tin rằng họ có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, song các động thái sắp tới của ông Trump sẽ làm sâu sắc hơn nữa những hoài nghi của New Delhi về quan hệ với Mỹ trong tương lai.

Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, quan hệ Mỹ-Ấn vẫn rất tốt đẹp. Sau chuyến thăm Mỹ của ông Modi hồi tháng 6/2017, quan hệ song phương đã được đẩy nhanh.

Tháng 11/2017, ông Trump đã đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”Một tháng sau, ông Trump lần đầu tiên xác định Trung Quốc là đối thủ của Mỹ trong Chiến lược An ninh Quốc gia và coi vị trí của Ấn Độ là “đối tác chiến lược và quốc phòng lớn hơn” trong chiến lược tổng thể của Mỹ. Đây là thắng lợi ngoại giao lớn của Ấn Độ.

Chính quyền Trump đã hứa hẹn ủng hộ Ấn Độ trong nỗ lực trở thành cường quốc toàn cầu hàng đầu. Washington nói rằng họ sẽ ưu tiên hợp tác chiến lược và quốc phòng với New Delhi.

Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền Trump lại đưa ra chính sách Ấn Độ không kết nối hợp tác an ninh với các ưu tiên thương mại. Các nhà quan sát có thể tin rằng việc Ấn Độ nối lại quan hệ hữu hảo với Trung Quốc kể từ năm 2018 là một động thái sáng suốt. Nó cho phép Ấn Độ “linh hoạt” trong chính sách ngoại giao nước lớn, không chỉ bó buộc trong quan hệ với Mỹ.

Khi những lời đe dọa của ông Trump được chuyển thành các chính sách, Ấn Độ sẽ buộc phải đáp trả và người ta lại chờ xem quan hệ Mỹ-Ấn sẽ đi theo hướng nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục