Quan hệ Cuba-Mỹ trong những ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Biden

Dư luận hy vọng quan hệ song phương Cuba-Mỹ có thể quay lại với thực trạng của tiến trình bình thường hóa như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo mạng La Joven Cuba, lần chuyển giao chính quyền tại Mỹ vừa qua là có lẽ là một trong những cuộc thay đổi mang lại nhiều kỳ vọng mới nhất, và ngay cả Cuba cũng trông đợi chính quyền mới ở Washington sẽ tỏ ra hòa hoãn hơn.

Thế nhưng, đâu là những triển vọng thực tế về cải thiện quan hệ song phương trong ngắn hạn và những kỳ vọng nào sẽ mất nhiều thời gian hơn để nhìn thấy kết quả?

Nhiều người tại Cuba và Mỹ quan sát ngày chuyển giao vừa qua với hy vọng, chí ít trên một vài phương diện, quan hệ song phương có thể quay lại với thực trạng của tiến trình bình thường hóa như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Và quả thật, Tổng thống Biden có thể áp dụng một vài bước đi để đảo ngược các biện pháp trừng phạt phi lý của chính quyền ông Trump qua các sắc lệnh tổng thống, như việc nối lại các chuyến bay thương mại giữa hai nước, tái lập hoạt động xuất nhập khẩu nông sản và kéo dài việc cấp phép, khôi phục quyền gửi tiền cho người thân của kiều dân Cuba qua hệ thống ngân hàng Western Union, và thậm chí là tái khởi động và mở rộng các trao đổi kiểu “từ nhân dân tới nhân dân.”

Tất cả các biện pháp này về lý thuyết đều có thể thực hiện sớm và khá dễ dàng.

Tuy nhiên, việc chính quyền của cựu Tổng thống Trump đưa Cuba trở lại danh sách “các nước bảo trợ khủng bố” ngày 12/1 vừa qua đã khiến triển vọng trở lại với quá trình bình thường hóa quan hệ bị đẩy xa hơn và không chỉ còn phụ thuộc vào những sắc lệnh tổng thống.

Có thể từ thời điểm này, hầu như tất cả các biện pháp vừa kể trên có thể phải chờ đợi để chính quyền mới tại Washington hành động với mục tiêu cụ thể, theo đó rút La Habana khỏi “danh sách đen” mà họ bị liệt vào năm 2015 - sau hơn 3 thập kỷ bị liệt vào danh sách này hồi năm 1982.

Động thái này một lần nữa đòi hỏi chính quyền Biden phải tích hợp lại những lập luận tương tự như những người tiền nhiệm trong chính phủ của Obama từng làm, nhưng chắc chắn là sẽ diễn ra trong một hiện trạng khẩn cấp ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu rất khác so với năm 2015.

Hành động này cũng có thể bị đình hoãn do việc thiếu hụt nhân sự chuyên nghiệp trong những tháng đầu của chính quyền mới.

Những vị trí then chốt trong Bộ Ngoại giao như thứ trưởng hay quan chức phụ trách các vấn đề Mỹ Latinh vẫn chưa được bổ nhiệm.

Quan hệ Cuba-Mỹ trong những ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Biden ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay cả trong thời điểm bình thường, một chính quyền mới cũng mất vài tháng để bổ nhiệm đa phần những cố vấn chủ chốt của mình, trong khi nhiệm kỳ tổng thống lần này có một nghị trình căng thẳng hơn mức thường, với mục tiêu đảo chiều những hành động của vị tổng thống vừa mãn nhiệm.

Vậy chính quyền của Tổng thống Biden có thể làm gì với Cuba và sẽ bắt đầu ra sao?

Trước hết, họ sẽ phải bổ nhiệm nhân sự cho Đại sứ quán và Lãnh sự quán tại La Habana, từng bị cắt giảm mạnh xuống mức chỉ còn vài chục người, và con số nhỏ bé này cản trở hầu hết các công tác ngoại giao thông thường của Đại sứ quán Mỹ, bao gồm cả các báo cáo cần có kèm theo yêu cầu rút Cuba khỏi danh sách “các nước bảo trợ khủng bố.”

Ngày 7/1, chỉ 1 ngày sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol và trong làn sóng từ nhiệm của nhiều quan chức cấp cao, Nhà Trắng đã gửi yêu cầu từ chức với 4.000 vị trí quan trọng vốn là những người được bổ nhiệm theo ân huệ chính trị, trong đó có cả các đại sứ, tham tán và thư ký của nhiều đại sứ quán.

[Cuba thiệt hại 20 tỷ USD vì các biện pháp trừng phạt của ông Trump]

Việc trì hoãn các quyết định từ chức này, điều thường diễn ra khoảng 2 tuần sau cuộc bầu cử tháng 11, là một sự chậm trễ nữa mà chính quyền mới phải xử lý. Thêm nữa, một số chức danh mới cần phải được Quốc hội thông qua.

Mặt khác, thực trạng của Bộ Ngoại giao trong những ngày đầu của chính quyền Biden cũng không phải khả quan.

Vị tân tổng thống và đội ngũ của ông phải thay thế 43% nhân sự ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu, những người từng được bổ nhiệm nhờ lập trường và lòng trung thành với chính quyền cũ.

Quan hệ Cuba-Mỹ trong những ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Biden ảnh 2Người dân di chuyển trên đường phố tại La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Còn về mặt các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, con số này hiện không quá 30%, nói cách khác là Biden sẽ phải xử lý tình trạng “nghiệp dư” của ngành ngoại giao Mỹ hiện tại và nhiệm vụ này cần thời gian.

Thông thường, những người đứng đầu cơ quan ngoại giao nước ngoài không nhậm chức cho tới mùa Hè trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống mới để tạo biên độ thời gian cần thiết cho quá trình Quốc hội thông qua.

Những con số thống kê như vừa nêu cho thấy các vị trí cần lấp đầy là rất nhiều và hiện tại Washington không có đủ nhân sự cho tất cả các cương vị này, vì khi cựu Tổng thống Trump ngồi vào Nhà Trắng, nhiều người đã chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác.

Ngoài ra, đối với các vị trí ngoại giao của Mỹ tại La Habana, một thách thức nữa là nâng cao đảm bảo an ninh sau các “sự cố sóng âm” 2016, trong bối cảnh mà Washington còn chưa kết luận được bản chất các “mối đe dọa” này.

Những ưu tiên nội bộ sẽ choán hầu hết sự quan tâm của tân tổng thống và nội các của ông.

Biden sẽ phải xử lý vài cuộc khủng hoảng nội bộ có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, như cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra hay tình trạng bất ổn khi một bộ phận dân chúng tin rằng vị cựu tổng thống Đảng Cộng hòa bị “đánh cắp” chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Riêng về đại dịch COVID-19, Biden đã cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, một mục tiêu tham vọng và chắc chắn sẽ hút mất nhiều năng lượng của nội các mới vì đây là một trong những cam kết tranh cử chủ chốt nhất của Tổng thống Biden, và thậm chí cả công tác này cũng chịu ảnh hưởng từ tổng thống tiền nhiệm khi Trump từng cam kết tiêm chủng cho 20 triệu người Mỹ tới hết năm 2020, nhưng rốt cục con số này mới chỉ ở ngưỡng 4 triệu người.

Cuba chiếm vị trí nào trong số các ưu tiên của Tổng thống Biden?

Ít nhất là trong tương lai gần, “hòn đảo tự do” vẫn chưa nằm trong số các đề tài quan trọng đối với chính quyền mới.

Sự hiện diện của Cuba trong danh sách “các nước bảo trợ khủng bố” là một rào cản ban đầu cho việc xích lại gần nhau, nhưng tổng thống vẫn có thể thúc đẩy nghị trình bằng những cách khác.

Trong khi đó, những người quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với Cuba thuộc cả 2 đảng có thể sẽ khởi động lại các hoạt động vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ.

Việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt và thậm chí là việc chấm dứt chính sách bao vây cấm vận đòi hỏi thời gian chuẩn bị và mọi nỗ lực có thể.

Mới đây Trung tâm Dân chủ châu Mỹ (CDA) và Văn phòng Mỹ Latinh tại Washington (WOLA) đã cùng biên soạn một báo cáo chi tiết cung cấp một bản đồ chính trị để quay lại với những điểm từng đạt được trong quan hệ song phương 4 năm về trước, và đây có thể coi là một chỉ dẫn chi tiết mà chính quyền Biden có thể sử dụng để tham khảo nếu muốn tái khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ, tất nhiên là sau khi giải quyết được vấn đề “danh sách bảo trợ khủng bố.”

Bối cảnh tại hai nước đã thay đổi nhiều so với cách đây 4 năm, và cho dù mong muốn xích lại gần nhau vẫn còn đó, thì những bộ phận chính trị muốn phá hỏng tiến trình này tại ở cả 2 bờ của Eo biển Florida cũng luôn mạnh mẽ hơn trong thời gian qua.

Đồng thời, mối quan tâm và mong muốn này là không cân xứng: xã hội Cuba có nhiều động lực và nhu cầu cải thiện quan hệ với Mỹ hơn, nhưng Washington mới là bên chủ động có thể đưa ra bước đi ý nghĩa đầu tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục