Hội nghị cấp cao Đối tác toàn cầu lần thứ 19 diễn ra tại thành phố Agra, bang Utta Pradesh của Ấn Độ từ 27-29/1.
Hội nghị do Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) phối hợp với Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức, có sự tham dự của phái đoàn nhiều nước cùng các quan chức cấp cao, đại diện các ngành, các doanh nghiệp nước chủ nhà.
Với chủ đề "Các đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững," hội nghị tập trung trao đổi ý kiến và đưa ra những giải pháp để đối phó với những thách thức cấp bách nhất với thế giới hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Ấn Độ M. Hamid Ansari nêu rõ cho dù tình hình kinh tế toàn cầu đang khó khăn, các nền kinh tế phát triển và đang nổi vẫn cần cùng nhau chuẩn bị lộ trình phục hồi kinh tế, nâng tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để tạo nên một trật tự kinh tế thế giới mới. Do đó, các mối quan hệ đối tác có tầm quan trọng lớn và sẽ là công cụ để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế tại nhiều nước.
Ông Ansari nhấn mạnh các đối tác như G20 (nhóm chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới, 90% GDP và 80% thương mại toàn cầu) mới đây đã triển khai Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và nhóm gồm 16 nước, trong đó có các thành viên ASEAN, sẽ tái xác định những đường nét của nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường toàn cầu sẽ thay đổi với sự ra đời của những khối thương mại mới, do đó các thị trường, các công ty phải tự tăng tốc để đáp ứng những đòi hỏi mới…
Phó Tổng thống Ấn Độ đánh giá kinh tế nước này không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng của kinh tế toàn cầu song những gói kích thích kinh tế và các biện pháp khác kết hợp với nhu cầu trong nước mạnh đã góp phần hạn chế mức độ bị tác động.
Chính phủ Ấn Độ đã giải quyết những vấn đề như thâm hụt tài chính, lạm phát cao, thâm hụt thương mại thông qua các biện pháp cải cách thuế, mở cửa đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ và hàng không, cổ phần hóa một số công ty nhà nước và thành lập Ủy ban Nội các về đầu tư, do Thủ tướng đứng đầu, nhằm thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hạ tầng./.