Quan hệ EU-châu Á vẫn được củng cố hậu Brexit

Việc Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ không làm chệch hướng các kế hoạch của EU nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ của EU với châu Á trong năm nay.
Quan hệ EU-châu Á vẫn được củng cố hậu Brexit ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu đắc cử Ursula von der Leyen. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) rõ ràng là một đòn giáng vào các tham vọng chính sách ngoại giao và an ninh của khối.

Ursula von der Leyen, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã kêu gọi châu Âu đóng một vai trò mang tính địa chính trị hơn, nhưng điều này lại trở nên khó khăn khi EU mất đi một cường quốc hạt nhân và một trong hai ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nó có thể dẫn tới cuộc cạnh tranh giữa EU (gồm 440 triệu dân) và Vương quốc Anh (gồm 60 triệu dân) trong việc tìm kiếm sự chú ý của châu Á. Tuy nhiên, Brexit sẽ không làm chệch hướng các kế hoạch của EU nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ của EU với châu Á trong năm nay.

Một loạt hội nghị thượng đỉnh giữa EU với các đối tác châu Á đang được lên kế hoạch, trong lúc hai bên tìm cách bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp vốn đang đối mặt với mối đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Châu Á đang ngày càng coi EU là một nhân tố ổn định và có thể đoán trước, một siêu cường về chuẩn mực pháp lý và một trụ cột của hệ thống đa phương.

Như Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe phát biểu tại Brussels hồi năm ngoái, “quan hệ EU-châu Á gần gũi hơn sẽ giúp đôi bên cùng có lợi.”

[EU tìm kiếm vai trò an ninh lớn hơn tại khu vực Thái Bình Dương]

Quan điểm của ông được nhiều ngoại trưởng châu Á chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại Madrid hồi tháng 12/2019. Mục đích cuộc họp là nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Campuchia vào tháng 11/2020, khi các nhà lãnh đạo EU và châu Á thảo luận về thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và kết nối.

Bộ máy ngoại giao EU sẽ bước vào guồng quay mới vào tuần tới, khi Ngoại trưởng Thái Lan tới thăm Brussels để khởi động hiệp ước về sự ổn định EU-ASEAN.

Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng tới châu Âu để tiến hành các cuộc hội đàm trước khi tham dự hội nghị an ninh Munich.

Tháng 3/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Brussels để thảo luận về các vấn đề toàn cầu với ban lãnh đạo mới của EU.

Đoàn đại biểu EU sau đó sẽ tới Seoul và Tokyo, nơi ông Ursula von der Leyen và Charles Michel sẽ có cơ hội gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ song phương.

Thách thức lớn nhất sẽ là đối đầu với Trung Quốc - quốc gia giờ đây bị EU coi là “đối thủ có hệ thống.” Bắc Kinh đã rất ngạc nhiên khi EU đưa ra chính sách cứng rắn mới hồi tháng 3/2019 và kể từ đó Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo EU bằng các tuyên bố về cam kết chung của họ với chủ nghĩa đa phương.

Sắp tới, hai bên sẽ tiến hành 2 hội nghị thượng đỉnh theo kế hoạch, tại Bắc Kinh vào tháng 4/2020 (nếu diễn biến dịch corona cho phép) và tại Leipzig vào tháng 9/2020 mà ở đó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ tất cả 27 nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp được Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp xếp nhằm thúc đẩy sự thống nhất của EU.

Nếu vào thời điểm đó, EU và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận nào trong các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư, Brussels sẽ sẵn sàng đưa ra các biện pháp để hạn chế hoạt động kinh doanh của Trung Quốc tại châu Âu.

Thương mại sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ EU-châu Á. Năm ngoái, EU đã ký và phê chuẩn các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và Singapore, sau khi ký thỏa thuận thành công với Hàn Quốc cách đây vài năm.

Nghị viện châu Âu chuẩn bị phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và đang tiến hành đàm phán với Australia và New Zealand.

Các quốc gia châu Á khác gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia đang chuẩn bị khởi động đàm phán. Điều này cho thấy gần như tất cả các nước châu Á đều muốn tiếp cận thị trường chung EU và đang ngày một chịu ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn pháp lý của EU.

Trở lại với Brexit, phần lớn các nhà lãnh đạo châu Á cảm thấy lúng túng bởi quyết định của Anh rời khỏi thị trường lớn nhất thế giới ngay sát ngưỡng cửa của họ.

Ngay cả tại các quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Anh, ưu tiên của họ vẫn là duy trì quan hệ thương mại với thị trường EU lớn hơn.

Trái với kế hoạch tiến hành một loạt hội nghị thượng đỉnh EU-châu Á, Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện không có kế hoạch tới thăm châu Á. Hiện cũng chưa rõ liệu ông có được chào đón nồng nhiệt hay không.

EU vẫn là nhà cung cấp viện trợ phát triển và viện trợ nhân đạo tại châu Á. Chiến lược kết nối của EU, vốn nhấn mạnh đến sự minh bạch và ổn định của các dự án cơ sở hạ tầng kết nối hai lục địa, đã được chào đón tại châu Á.

Mục tiêu ở đây là không để Trung Quốc "lộng hành" thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường." Tuy nhiên, điều này sẽ có hiệu quả ra sao phần lớn phụ thuộc vào số tiền mà EU chuẩn bị đề xuất trên bàn đàm phán và nó sẽ chỉ được biết rõ khi ngân sách mới được thông qua trong vài tháng tới.

EU hy vọng rằng các nhà lãnh đạo châu Á sẽ ngày một chứng tỏ họ hiểu rõ tầm quan trọng của quyền lực mềm, của việc cùng nhau giải quyết các bất đồng và thậm chí là "sao chép" một số thành tựu của EU.

Mỗi tháng sẽ có các đoàn đại biểu ASEAN tới Brussels để tìm học hỏi các kinh nghiệm của EU trong các lĩnh vực khác nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục