Quan hệ giữa Việt Nam-Bỉ, Việt Nam-EU sẽ có bước đột phá

Chuyến thăm Bỉ và EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo động lực để kết thúc đàm phán EVFTA trong những tháng tới và mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với Bỉ và EU.
Quan hệ giữa Việt Nam-Bỉ, Việt Nam-EU sẽ có bước đột phá ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Bỉ và EU từ ngày 12-14/10. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Bỉ và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Bỉ và EU từ ngày 12-14/10.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Bỉ đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và bên cạnh EU, Phạm Sanh Châu.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, mặc dù đã hai lần thăm EU và Bỉ (năm 2006 và 2010) nhưng đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến cả Bỉ và EU trong bối cảnh cả hai đối tác đều đang chuyển giao lãnh đạo và trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến nhanh chóng và sâu rộng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo cũ của EU để cảm ơn họ đã đóng góp vào việc phát triển quan hệ giữa hai bên và gặp các nhà lãnh đạo mới của cả EU và Bỉ để bàn các biện pháp và phương hướng thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.

Chuyến thăm của Thủ tướng sẽ tạo động lực chính trị để kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) trong những tháng tới và mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với Bỉ và EU.

Điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến đi này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso sẽ ra một Tuyên bố Chính trị trong đó hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải ký sớm EVFTA để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên trên cơ sở cùng có lợi.

Điểm nhấn thứ hai là hai nhà lãnh đạo sẽ chứng kiến lễ ký kết văn bản hoan nghênh quyết định của EU cam kết tiếp tục viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 với mức 400 triệu euro, tăng 30% so với giai đoạn 2007-2013, bất chấp khó khăn về kinh tế và chịu nhiều tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công.

Với những cam kết của mình, EU tiếp tục là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, một vị trí mà EU đã xác lập ở Việt Nam kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đánh giá về triển vọng quan hệ giữa Việt Nam-Bỉ và Việt Nam-EU, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai bên.

Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ trao giấy phép đầu tư cho công ty Bỉ Rent-a-port. Công ty này đầu tư 260 triệu USD vào dự án triển khai trên một khu đất rộng 5.000 ha tại đảo Cát Hải (Hải Phòng).

Nhận thức được vị trí và vai trò của EU, Việt Nam xác định đây là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hợp tác hai bên luôn là một hình đồ thị theo chiều hướng đi lên. Những kết quả trong hợp tác Việt Nam-EU xuất phát từ lợi ích và nhu cầu của cả hai bên.

Việt Nam nhận thấy EU là một đối tác quan trọng, một thị trường rộng lớn, nguồn đầu tư trực tiếp tiềm năng và là nhà tài trợ quý báu, giàu thiện chí.

EU đánh giá cao tiềm năng và xác định Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược châu Á của mình. Các mối liên kết lịch sử, văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Âu cũng là yếu tố tạo điều kiện phát triển quan hệ hai bên...

Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định quan hệ hai bên đang ở vào giai đoạn phát triển tốt nhất từ trước tới nay và sẽ có bước đột phá với việc ký Hiệp định Tự do Thương mại trong vài tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục