Quan hệ Mỹ-Đài Loan: Con đường phía trước còn nhiều trở ngại

Có nhiều vấn đề song phương và rộng hơn thế chi phối cũng như đặt ra nhiều thách thức cho mối quan hệ Mỹ-Đài Loan (Trung Quốc) trong ba năm rưỡi tới.
Quan hệ Mỹ-Đài Loan: Con đường phía trước còn nhiều trở ngại ảnh 1Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: AFP)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Và Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những nơi mà ông đã đạt được thành tựu.

Thế nhưng, cho dù ông Biden đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc chinh phục người Đài Loan, điều đó cũng không có nghĩa là con đường phía trước sẽ dễ dàng.

Có nhiều vấn đề song phương và rộng hơn thế chi phối cũng như đặt ra nhiều thách thức cho mối quan hệ Mỹ-Đài trong ba năm rưỡi tới.

Về mặt song phương, quan hệ hai bên tồn tại những vấn đề liên quan chính sách thương mại và công nghiệp. Đài Loan muốn phát triển các mối quan hệ kinh tế chính thức mà có thể mở ra cánh cửa cho các nước khác theo sau.

[Trung Quốc đề xuất 4 biện pháp cải thiện quan hệ Trung-Mỹ]

Mặc dù chính quyền Biden đã đáp ứng yêu cầu của Đài Loan về việc khởi động lại đối thoại kinh tế theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), song một thỏa thuận thương mại sẽ khó hơn đối với chính quyền của đảng Dân chủ vốn đang phải tập trung vào nền kinh tế Mỹ trước tiên.

Kết quả cuộc khảo sát ý kiến của người dân Đài Loan về nhập khẩu thịt lợn của Mỹ cũng có thể là một yếu tố.

Chính sách công nghiệp liên quan đến chất bán dẫn cũng sẽ là một lĩnh vực căng thẳng.

Trong bối cảnh Mỹ tập trung vào việc đảm bảo chuỗi cung ứng và tìm kiếm việc làm, sẽ có áp lực buộc các công ty Đài Loan phải di dời thêm các nhà máy.

Đài Loan có thể xoa dịu Mỹ bằng cách di chuyển một số nhà máy, nhưng họ sẽ không muốn từ bỏ các lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển.

Đài Loan coi vị thế quan trọng của họ về chất bán dẫn trên thị trường toàn cầu như một "con bài mặc cả" có lợi cho họ.

Tuy nhiên, đứng trước cuộc cạnh tranh công nghệ Trung-Mỹ, có nguy cơ Đài Loan sẽ bị cuốn vào vòng xoáy cuộc chiến (công nghệ) này.

Nói rộng hơn, có một rủi ro là sự tăng cường ủng hộ của Mỹ - chẳng hạn như bán vũ khí, tiếp xúc ngoại giao hoặc vaccine - sẽ dẫn đến kỳ vọng tăng cao ở Đài Loan.

Theo một nhà hoạch định chính sách của Đài Loan, “nếu bạn càng hy vọng nhiều thì sẽ càng thất vọng trong tương lai.”

Điều này bắt nguồn từ sự sợ hãi và lo lắng của người Đài Loan: “Khi Mỹ sẵn sàng cung cấp nhiều hỗ trợ hơn, chúng tôi sợ rằng sự hỗ trợ đó chỉ là tạm thời và có điều kiện, trong khi chúng tôi muốn tìm kiếm các cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn từ Mỹ."

Một số kỳ vọng được nêu ra có thể khó đáp ứng đối với Mỹ.

Về mặt an ninh, Đài Loan muốn Mỹ giúp xây dựng một quân đội thế hệ tiếp theo, bao gồm bán vũ khí nhất quán (đúng loại và với chi phí mà Đài Loan có thể chi trả), trao đổi quân sự bí mật hoặc công khai, thậm chí là tiến hành các cuộc tập trận chung.

Và trong số này, Mỹ được cho là có thể sẽ giúp Đài Loan cải thiện hiệu quả quốc phòng, thậm chí thúc đẩy cải tổ quân đội Đài Loan.

Về mặt ngoại giao, Đài Loan sẽ tiếp tục mong muốn có các cuộc tiếp xúc cấp cao để bình thường hóa quan hệ với Washington và muốn Mỹ hỗ trợ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, ví dụ như Đại hội đồng Y tế Thế giới.

Một thử nghiệm cụ thể sẽ là hội nghị thượng đỉnh của các nền dân chủ do Biden chủ trì, có thể được tổ chức vào năm 2022.

Việc tìm cách để Đài Loan - một trong 7 xã hội duy nhất ở châu Á được tổ chức Freedom House đánh giá là tự do - tham dự hội nghị này là rất quan trọng. Điều này có nghĩa nó không chỉ đơn giản là một hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia.

Vấn đề rộng hơn là Mỹ sẽ phản ứng ra sao trước sự phản kháng của Trung Quốc, vốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với bất cứ mức độ nào.

Thời gian qua, Trung Quốc đã liên tục tăng cường sức ép đối với Đài Loan với mức độ ngày càng tăng dần, chẳng hạn như vụ máy bay Trung Quốc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan sau hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 ở Anh.

Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có sự thay đổi về hình thức gây áp lực thay vì cường độ hay không. Nếu Trung Quốc thay đổi chiến thuật, Mỹ sẽ phản ứng như thế nào?

Đã có rất nhiều cuộc thảo luận xung quanh việc liệu Mỹ có chấm dứt quan điểm mơ hồ chiến lược mà họ đã đặt ra và làm dấy lên kỳ vọng ở Đài Loan hay không.

Bình luận gần đây của người đứng đầu chính sách châu Á của Nhà Trắng, Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell, rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập - một tuyên bố về lập trường chính thức của Mỹ - đã vấp phải sự bất bình của công chúng Đài Loan.

Ban lãnh đạo đảng Dân tiến cầm quyền (ở Đài Loan) biết rằng Mỹ sẽ không ủng hộ nền độc lập hợp pháp (của Đài Loan); thách thức chính trị đối với giới cầm quyền Đài Loan là đáp ứng kỳ vọng của những người ủng hộ độc lập với thực tế rằng điều tốt nhất mà Mỹ có thể mang lại cho Đài Loan là tình hữu nghị và quan hệ đối tác.

Một trong những thành tựu của chính quyền Biden là đã quốc tế hóa an ninh của Đài Loan bằng cách thiết lập và tăng cường sự ủng hộ từ các đối tác và đồng minh của Mỹ.

Hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan đã lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và các hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ, Hàn-Mỹ hay Australia-Nhật Bản.

Ở Đài Loan, dư luận ủng hộ rộng rãi chiến lược điều động mạng lưới quyền lực để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nhiều quốc gia tham gia hơn cũng có mặt trái của nó, đó là cần phải dành nhiều thời gian hơn để xây dựng sự đồng thuận.

Một số người tự hỏi liệu Mỹ có thời gian để xây dựng những liên minh như vậy trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc hay không, đặc biệt là khi quốc tế hóa có khả năng làm tăng cơ hội bị Trung Quốc đẩy lùi.

Trắc nghiệm cuối cùng đối với chính quyền Biden sẽ là cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 1/2024, diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cùng năm.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sẽ kết thúc nhiệm kỳ và không thể tái tranh cử. Nếu đảng Dân tiến trở lại nắm quyền, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khủng hoảng xuyên eo biển. Nếu Quốc dân đảng đối lập đắc cử, Mỹ sẽ phải quyết định giải nghĩa điều này như thế nào.

Đối với Quốc dân đảng, một phần quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Đài là Mỹ phải hiểu rằng bất kỳ sự tan băng nào trong quan hệ xuyên eo biển không được xem là sự phản bội lợi ích của Mỹ.

Dù ai là nhà lãnh đạo Đài Loan và Nhà Trắng, vẫn có những thách thức cơ bản trong quan hệ Đài-Mỹ. Bởi sự hỗ trợ gia tăng sẽ nâng cao kỳ vọng. Bất kỳ tuần trăng mật nào cũng sẽ luôn ngắn ngủi. Duy trì những quan điểm tích cực mà ông đã xây dựng với Đài Loan sẽ là một thách thức liên tục đối với Tổng thống Biden./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục