Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia và tiến trình hòa bình tại Yemen

CNN cho rằng Saudi Arabia và UAE đã sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất như một loại "tiền tệ" để đổi lại lòng trung thành của các lực lượng dân quân và một số bộ lạc ở Yemen.
Các lực lượng Houthi tại thành phố Hodeidah, Yemen, ngày 29/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các lực lượng Houthi tại thành phố Hodeidah, Yemen, ngày 29/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng của tạp chí National Interest ngày 23/2, mối quan hệ đầy tranh cãi giữa Mỹ với Saudi Arabia một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi báo cáo gần đây của CNN cho rằng Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất như một loại "tiền tệ" để đổi lại lòng trung thành của các lực lượng dân quân cũng như một số bộ lạc ở Yemen, và nhiều cá nhân trong số đó có liên kết với cả tổ chức khủng bố al-Qaeda.

CNN còn cho rằng vũ khí do Mỹ sản xuất đã trở nên phổ biến rộng rãi thông qua những hoạt động buôn bán vũ khí trên thị trường chợ đen ngày càng phát triển, đồng thời nhận định vũ khí của Mỹ thậm chí đã rơi vào tay phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn.

Nếu báo cáo trên của CNN là chính xác thì Saudi Arabia và UAE đã vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận vũ khí của họ với Mỹ về việc cấm chuyển giao vũ khí cho bên thứ ba ở Yemen.

Báo cáo này đã gây ra một cuộc tranh cãi tại Đồi Capitol, nơi nhiều nghị sỹ lên tiếng về mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia sau khi quốc gia Arập này được cho là có liên quan đến vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Phe Dân chủ Hạ viện gần đây đã thông qua nghị quyết H.J.Res.37, một dự luật nhằm chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào cuộc nội chiến ở Yemen.

Hạ viện dự kiến sẽ phê chuẩn nghị quyết này thời gian tới, trong khi Thượng viện đã phê chuẩn một đề xuất tương tự vào tháng 12/2018 và rất có thể thông qua nghị quyết tương tự một lần nữa.

Với việc Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng phải xem xét vai trò của quân đội nước này ở Yemen, quyết định của các nước đồng minh trong việc chuyển giao vũ khí do Mỹ sản xuất cho kẻ thù của họ nên được coi là giới hạn cuối cùng.

Chiến dịch quân sự do Saudi Arabia lãnh đạo và có sự ủng hộ của Mỹ nhằm hậu thuẫn Tổng thống Yemen Abdrabbuh Mansur Hadi không thể cải thiện tình hình, mà thậm chí còn làm tồi tệ hơn tình trạng mà Liên hợp quốc cho là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc nhất thế giới.

Theo National Interest, Mỹ nên chấm dứt hỗ trợ cho Saudi Arabia, UAE cũng như ráo riết theo đuổi một thỏa thuận hòa bình được đàm phán giữa các bên tham chiến.

Saudi Arabia tham gia cuộc xung đột ở Yemen từ tháng 3/2015 do mong muốn đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của người Houthi và ngăn Iran tìm kiếm chỗ đứng vững chắc tại Yemen.

Mỹ chia sẻ thông tin tình báo và xác định các mục tiêu, hỗ trợ đạn dược, và gần đây là tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu của Saudi Arabia.

Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc không kích và triển khai các hoạt động chống lại các nhóm khủng bố tại Yemen.

Từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2018, dự án "Dữ liệu sự kiện & Vị trí xung đột vũ trang" (ACLED) đã ghi nhận 60.223 trường hợp thiệt mạng liên quan đến xung đột, con số lớn hơn 6 lần so với ước tính ban đầu của LHQ.

Bạo lực cũng gây ra nạn đói trên toàn lãnh thổ Yemen. Tổ chức "Save the Children" ước tính khoảng 85.000 trẻ em chết vì thiếu thức ăn, trong khi LHQ cảnh báo khoảng 14 triệu người Yemen khác cũng đang bên bờ vực của nạn đói.

Saudi Arabia được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các thương vong dân sự tại quốc gia này. Nghiên cứu của ACLED cho thấy Saudi Arabia và các đồng minh phải chịu trách nhiệm về hơn 4.600 cái chết kể từ năm 2016 (gấp 4 lần số thương vong so với con số hơn 1.000 người thiệt mạng do các cuộc tấn công Houthi và phiến quân).

Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia và tiến trình hòa bình tại Yemen ảnh 1Trẻ em suy dinh dưỡng được triều trị tại Sanaa, Yemen, ngày 19/2/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, "Dự án Dữ liệu Yemen" cho rằng nhiều cuộc không kích của Saudi Arabia thực tế lại nhằm vào các mục tiêu phi quân sự.

[Yemen: al-Houthi từ chối rút quân khỏi thành phố cảng Hodeidah]

Có ý kiến cho rằng việc nhắm vào các mục tiêu là cơ sở hạ tầng nông nghiệp và hoạt động phong tỏa kéo dài tại các cảng Yemen đã góp phần rất lớn gây ra nạn đói trầm trọng ở quốc gia này.

Không chỉ có vậy, chính sự can dự của Saudi Arabia vào cuộc xung đột ở Yemen càng củng cố mạnh mẽ hơn vị trí của các lực lượng đối địch.

Trong một sự kiện do National Interest tổ chức vào tháng 12/2018, chuyên gia Daniel Byman, làm việc tại Viện Brookings bình luận rằng trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, những hỗ trợ mà Iran dành cho phiến quân Houthi mới chỉ ở mức rất hạn chế.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai lực lượng người Shi’ite ngày càng trở nên sâu sắc sau khi Riyadh nhúng tay vào cuộc chiến, và vị thế của Iran trên bán đảo Arập cũng được củng cố.

Hơn nữa, ngoài việc được hưởng lợi từ cơ hội tăng cường tiếp cận với vũ khí do Mỹ sản xuất, các nhóm khủng bố như al-Qaeda đã tận dụng sự hỗn loạn do sự sụp đổ của nhà nước Yemen để vươn "vòi bạch tuộc" hơn nữa ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Bất ổn và chiến sự kéo dài sẽ càng tạo cớ cho các nhóm phiến quân chiêu mộ những thế hệ chiến binh mới.

National Interest cho rằng Saudi Arabia đã tự mình đi đến chỗ thất bại trong chiến dịch mà họ tiến hành tại Yemen.

Việc Mỹ chấm dứt hỗ trợ, hoặc đe dọa ngừng cung cấp vũ khí sẽ buộc Saudi Arabia và UAE phải thu hẹp đáng kể các hoạt động quân sự ở Yemen, đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng của các lực lượng khủng bố trong việc tiếp cận các loại vũ khí tân tiến do Mỹ cung cấp.

Mỹ cần yêu cầu lãnh đạo Saudi Arabia và UAE tích cực hơn trong việc theo đuổi hòa bình ở Yemen.

Các phe phái đối lập Yemen đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình gần đây tại Stockholm (Thụy Điển), song hòa bình lâu dài là điều không tưởng nếu thiếu sự tham gia của các cường quốc bên ngoài - những nước phải chịu trách nhiệm về việc biến một cuộc xung đột nội bộ thành một cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực.

Mọi thỏa thuận chính trị phải bao gồm các quốc gia như Iran, Saudi Arabia và UAE, và những cơ chế đình chiến hoặc giảm thiểu bạo lực có thể giúp mở ra cánh cửa đối thoại và đàm phán.

Dù việc kết thúc hoàn toàn chiến sự là điều chưa khả thi ở thời điểm hiện tại, song một thỏa thuận thực tế giữa các nhân tố bên ngoài nhằm hạn chế sự can thiệp vào tình hình Yemen, tạo điều kiện cho các hỗ trợ nhân đạo và nhất trí trên nguyên tắc một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các lực lượng trong nước có thể sẽ góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống tồi tệ hiện nay mà hàng triệu người dân Yemen đang phải gánh chịu.

[Hạ viện Mỹ ủng hộ nghị quyết chấm dứt hỗ trợ liên quân Arab ở Yemen]

Chiến lược này đi kèm không ít rủi ro. Việc Mỹ chấm dứt sự hiện diện của mình hay Saudi Arabia và UAE hạn chế vai trò trong cuộc nội chiến ở Yemen có thể tạo lỗ hổng để Iran gia tăng ảnh hưởng thông qua lực lượng Houthi, hoặc thậm chí có thể dẫn đến kịch bản mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng cảnh báo là số thương vong cực kỳ lớn do sai sót và sự bừa bãi trong các chiến dịch ném bom của Saudi Arabia khi không có sự hỗ trợ của tình báo và các công cụ xác định mục tiêu của Mỹ. 

Ngay cả khi có sự tham gia của Mỹ, những kịch bản này vẫn diễn ra. Hỗ trợ quân sự của Mỹ không đủ để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran lan sang Yemen hay giúp người dân tránh khỏi những hệ quả thảm khốc.

Tuy nhiên, chắc chắn việc tiếp tục các chính sách thất bại ấy cuối cùng sẽ dẫn đến một kết cục khác còn tồi tệ hơn.

Điều mà Mỹ cần làm là có những đối sách phù hợp để giảm thiểu tình trạng bạo lực tại Yemen và thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc họ phải đối đầu với các đồng minh của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục