Quan hệ Nga-Mỹ 2010

Quan hệ Nga-Mỹ: Thêm mảng sáng, song còn u ám

Những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Obama nhằm “tái khởi động” mối quan hệ với Nga trong năm 2010 đã đạt được một số kết quả tích cực.
Những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm “tái khởi động” mối quan hệ với Nga trong năm 2010 đã đạt được một số kết quả tích cực.

Ở một chừng mực nào đó, Nga và Mỹ đã tìm kiếm được tiếng nói chung và giải pháp chung cho những vấn đề mà hai bên có thể đạt được thỏa thuận, thậm chí là có những thỏa hiệp cần thiết về một số vấn đề vẫn bất đồng lâu nay.

Những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt của lãnh đạo cấp cao Nga-Mỹ tại các cuộc gặp song phương hay bên lề các diễn đàn đa phương, cũng đã phần nào khắc họa được bầu không khí của mối quan hệ trong năm qua giữa hai cường quốc hạt nhân này.

Nhờ tăng cường các cuộc tiếp xúc và đối thoại ở cấp cao nên Mátxcơva và Washington đã “mặc cả” thành công nhiều vấn đề quan trọng. Để ấn nút “tái khởi động” mối quan hệ với Nga, Tổng thống Obama tuyên bố hủy kế hoạch triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) tại Đông Âu, vốn bị Mátxcơva chỉ trích gay gắt vì cho rằng đe dọa an ninh quốc gia Nga.

Bên cạnh đó, Washington cũng đã cam kết hoãn vô thời hạn việc kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khi Mátxcơva coi kế hoạch “Đông tiến” của NATO là nhằm bao vây Nga.

Cũng trong năm 2010, người dân xứ Bạch dương đã có thể vui mừng vì sau gần 20 năm theo đuổi đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cuối cùng cánh cửa cũng được mở ra đối với Nga, với việc Mỹ cùng các đối tác châu Âu khẳng định mọi bất đồng, vướng mắc xung quanh vấn đề này đã được giải quyết.

Đáp lại thiện chí này của Washington, Mátxcơva không những tuyên bố tạm gác lại ý định triển khai tổ hợp tên lửa tầm thấp Iskander tại tỉnh Caliningrát chĩa thẳng vào châu Âu, mà còn cho phép Mỹ trung chuyển hàng hóa quân sự và phi quân sự, thậm chí cả binh sĩ qua lãnh thổ Nga tới chiến trường Afghanistan, nơi Washington đang lúng túng bởi chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan rõ ràng chưa đem lại kết quả mong đợi.

Mátxcơva cũng phần nào thay đổi lập trường về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, trong đó có việc áp dụng lệnh trừng phạt bổ sung với Tehran. Nga còn hủy bỏ hợp đồng xuất khẩu tên lửa phòng không S-300 đã ký trước đó với Tehran, một kế hoạch từng khiến Mỹ lo ngại, vì thương vụ này nếu được thực hiện sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ của Iran, làm thay đổi cán cân quân sự ở Trung Đông...

Trong năm 2010, dư luận quốc tế cũng được chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Mỹ trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chống khủng bố, cướp biển… đặc biệt hai bên đã đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử về cắt giảm kho vũ khí chiến lược của mỗi nước.

Việc Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, nguyên thủ của hai cường quốc sở hữu hơn 90% số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng ý ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, được cộng đồng quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh.

Những lo ngại START mới có thể “chết yểu” đã được giải tỏa sau khi Thượng viện Mỹ ngày 22/12 bỏ phiếu thông qua. Kết quả bỏ phiếu trong phiên xem xét thứ nhất tại Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 24/12, với tỷ lệ 350 phiếu ủng hộ thông qua START mới, chỉ có 58 phiếu phản đối, cho thấy việc phê chuẩn hiệp ước này tại Duma quốc gia và Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, chưa thể nói quan hệ Nga-Mỹ trong năm 2010 chỉ toàn những mảng sáng. Những thành quả đạt được, dù đáng kể, cũng chưa đủ mạnh để hóa giải những bất đồng cố hữu giữa hai nước. Nga vẫn kiên quyết không công nhận nền độc lập Kosovo, tỉnh ly khai của Cộng hòa Serbia, trong khi Mỹ cũng không ngần ngại gọi Nga là “kẻ chiếm đóng” lãnh thổ Gruzia.

Mặc dù Mỹ đã cam kết hoãn việc kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO, nhưng các chuyến thăm của Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Hilary Clinton tới các nước thuộc không gian hậu Xôviết đã phát đi tín hiệu rằng Washington sẽ không hy sinh những lợi ích của mình ở khu vực mà Mátxcơva coi là đặc quyền riêng.

Bên cạnh đó, quyết định của Ba Lan cho phép Mỹ triển khai các phi đội máy bay tiêm kích F-16, máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules và các phi công tại các căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này cũng đã khiến Mátxcơva "nóng mặt" vì cho rằng hành động trên là nhằm làm tổn hại an ninh của nước Nga.

Ngay cả START mới, vốn được kỳ vọng sẽ chắp cánh ước mơ của nhân loại về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời giúp cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, cũng đang gây ra không ít mối quan ngại. Theo nhiều chuyên gia Nga, sau khi START mới chính thức có hiệu lực, thì nhiều tranh cãi giữa hai bên mới thực sự bắt đầu, đặc biệt là vấn đề liên quan tới mối liên hệ giữa hệ thống tấn công chiến lược và hệ thống phòng thủ chiến lược.

Những vụ "bê bối ngoại giao" giữa hai bên, kiểu như vụ Mỹ bắt giữ 11 người bị cáo buộc hoạt động gián điệp cho Nga; vụ trục xuất nhà buôn bán vũ khí người Nga Viktor Bout từ Thái Lan sang Mỹ... vẫn là những thách thức thực sự đối với quan hệ Nga-Mỹ.

Rõ ràng, trong khi những bất đồng gay gắt, có thể đẩy hai nước đến trước bờ vực cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai vẫn chưa được giải quyết triệt để thì lại xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn gây tranh cãi mới, không khỏi khiến dư luận lo ngại xu hướng tích cực hiện nay trong mối quan hệ Nga-Mỹ khó có thể bền vững.

Quan hệ Nga-Mỹ thường là cái chi phối quan hệ Nga-NATO. Bầu không khí giữa Mátxcơva và Brussels trong năm qua cũng hết sức “sôi động.” Hai bên tích cực thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực có cùng lợi ích như chống khủng bố, cướp biển, ma túy…

Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh Nga-NATO diễn ra hồi cuối tháng 11 kết thúc tốt đẹp đã làm dấy lên hy vọng về một trang sử mới trong mối quan hệ Nga-NATO. Thế nhưng, ngay sau đó, vụ WikiLeaks tiết lộ thông tin nói rằng NATO đã lên kế hoạch bảo vệ Ba Lan và ba nước Baltic gồm Litva, Latvia, Estonia trước cái gọi là "cuộc xâm lược có thể xuất phát từ phía Nga,” khiến Mátxcơva "nổi giận."

Ngoại trưởng Nga đã chỉ trích NATO khi cho rằng một mặt NATO chào mời Nga soạn thảo các văn kiện quan trọng liên quan đến đối tác giữa hai bên, mặt khác lại đứng sau lưng nước này để thông qua quyết định bảo vệ trước cái gọi là "nguy cơ từ phía Nga."

Những bất đồng vẫn tồn tại trong quan hệ Nga-Mỹ là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, dư luận quốc tế hy vọng bước sang năm 2011, hai bên có thể tiếp tục duy trì và phát triển xu hướng đối thoại tích cực hiện nay, xu hướng đã tạo nên những "điểm sáng" rõ ràng trong mối quan hệ nhiều duyên nợ giữa hai cường quốc từng là thù địch thời Chiến tranh Lạnh.

Chỉ có như vậy, những nỗ lực nhằm "tái khởi động" quan hệ với Nga của Tổng thống Mỹ Obama mới có thể gặt hái được kết quả mong đợi, và những thỏa thuận mà hai nước đạt được trong năm 2010 mới có cơ hội được thực hiện nghiêm túc trên thực tế./.

Dương Trí (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục