Quan hệ Nga-Mỹ: Cuộc so găng cân não

Quan hệ Nga-Mỹ năm 2013: Cuộc so găng cân não

Trung Đông và Bắc Phi, tiếp tục là "đấu trường" để Moskva và Washington thể hiện cuộc đấu trí căng não.
Quan hệ Nga-Mỹ năm 2013: Cuộc so găng cân não ảnh 1Tổng thống Mỹ Obama (trái) gặp Tổng thống Nga Putin ở Bắc Ireland, tháng 6/2013. (Nguồn: AP)

Sự phối hợp hành động giữa Nga và Mỹ không chỉ giúp Syria thoát khỏi một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài trong gang tấc, mà còn làm dấy lên hy vọng chương trình hạt nhân của Iran được giải quyết bằng con đường hòa bình, song không vì thế mà bất đồng chồng chất tích tụ trong mối quan hệ giữa hai cựu thù thời "Chiến tranh lạnh" này đã được hóa giải.

Trái lại, năm 2013 cộng đồng quốc tế lại được chứng kiến một cuộc "so găng cân não" mới về nhiều vấn đề song phương và quốc tế nóng bỏng trong mối quan hệ vốn được coi là một trong những trụ cột quan trọng nhất của thế giới đa cực ngày nay.

Trung Đông và Bắc Phi, nơi Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây đã châm ngòi cho cái gọi là “Mùa Xuân Arập” đẩy nhiều quốc gia ở khu vực này rơi vào tình cảnh “nồi da nấu thịt” kéo dài, trong đó có Syria, tiếp tục là "đấu trường" để Moskva và Washington thể hiện cuộc đấu trí căng não.

Mỹ tiếp tục tuyên bố sử dụng mọi biện pháp, kể cả quân sự, để nhanh chóng hạ bệ chế độ của Tổng thống Bashar Assad, nhưng Nga lại kiên định lập trường phản đối việc sử dụng vũ lực để lật đổ Chính phủ hợp pháp của Syria và biến quốc gia Trung Đông này thành Libya thứ hai.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng tại Syria được đẩy lên đỉnh điểm khi Chính quyền Tổng thống Barack Obama lấy cái cớ Chính phủ của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học tấn công lực lượng nổi dậy nên quả quyết đòi "dạy" cho Syria một bài học.

Nói đi đối với làm, Washington tức tốc điều gần chục tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình đến khu vực Đông Địa Trung Hải nhằm hỗ trợ cho một cuộc tấn công quân sự ồ ạt nhằm vào Damascus bất cứ lúc nào.

Không chịu đứng khoanh tay nhìn Mỹ và các đồng minh của Washington diễn lại vở kịch cũ ở Lybia, Nga cũng hạ lệnh cho cả chục chiến hạm hiện đại cập cảng Syria mang theo những "lô hàng đặc biệt" để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong khu vực này.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sáng kiến Syria phải tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình và tham gia ký hiệp ước quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ và các nước đồng minh của Washington đã chuyển hướng sang ủng hộ sáng kiến của Nga, tránh khả năng bùng nổ thảm cảnh "đầu rơi, máu chảy" ở quốc gia Trung Đông, nơi cuộc nội chiến đã kéo dài gần 3 năm qua khiến hàng trăm nghìn người bị thương vong và hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Một trong những nguyên nhân buộc Washington chuyển sang ủng hộ sáng kiến của Tổng thống Putin là Mỹ đang rơi vào hoàn cảnh mà theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu Mỹ mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria thì "mất nhiều hơn được." Nhưng để giải giáp thành công khu vũ khí hóa học của Syria thì các bên liên quan cần thể hiện thiện chí và nỗ lực hết mình để vượt qua chặng đường đầy chông gai phía trước.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới không chỉ giúp Syria tránh được cuộc can thiệp quân sự của phương Tây trong gang tấc, mà còn cho thấy trong thế giới đa cực hiện nay, đối thoại và hợp tác vẫn là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề, kể cả những vấn đề hóc búa nhất.

Ngay cả, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng đã xuất hiện cơ hội giải quyết thông qua con đường hòa bình sau khi Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt thỏa thuận được đánh giá là bước đột phá mang tính chất lịch sử giữa Iran và phương Tây, những nước vốn coi nhau là "kẻ thù không đội trời chung" trong nhiều thập kỷ qua.

Giữa hy vọng và hiện thực là khoảng cách rất xa, đặc biệt vấn đề hạt nhân Iran thì khoảng cách đó lại càng xa hơn bởi vì việc khôi phục lòng tin giữa Tehran và phương Tây, vốn bị đánh mất trong suốt 34 năm qua, không phải là công việc một sớm một chiều.

Thế nhưng, thỏa thuận tạm thời giữa Iran và P5+1 lại thổi “luồng sinh khí mới” cho bất đồng cũ tồn tại nhiều năm qua giữa Mỹ và Nga. Moskva luận giải rằng chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran được giải quyết thông qua đàm phán thì không có lý do gì để Washington tiếp tục triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu bởi từ trước tới nay Washington luôn viễn dẫn mối đe dọa xuất phát từ Iran để biện minh cho kế hoạch xây dựng NMD ở lục địa già mà Nga luôn coi là mối đe dọa đối với khả năng răn đe hạt nhân chiến lược cũng như an ninh quốc gia của Liên bang Nga.

Mỹ không những không đưa ra cam kết bằng văn bản pháp lý về việc NMD ở châu Âu không đe dọa an ninh nước Nga như theo yêu cầu của Moskva, mà Washington còn khẳng định ngay cả khi chương trình hạt nhân của Iran được giải quyết thông qua đàm phán thì Lầu Năm góc vẫn tiếp tục chương trình xây dựng "lá chắn tên lửa" ở châu Âu.

Chán ngán với những lời "hứa hươu vượn" của Wasington, Moskva quyết định triển khai tên lửa chiến lược Iskander tại tỉnh Kaliningrad giáp biên với một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Ba Lan và ba quốc gia Baltic là Estonia, Litva và Latvia. Loại tên lửa có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân Iskander có khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa đến 500km, đã khiến Mỹ và các đồng minh của Washington phải hốt hoảng.

Không chỉ những mâu thuẫn cũ trong quan hệ song phương ngày càng trở nên trầm trọng, năm 2013, cộng đồng quốc tế còn được chứng kiến một loạt bất đồng mới nảy sinh trong mối quan hệ Mỹ-Nga đến mức Tổng thống Obama đã tuyên bố tạm ngừng chương trình tái khởi động quan hệ với Moskva.

Trước hết phải kể đến vụ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người tiết lộ hàng loạt tài liệu mật để khẳng định Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi tin nhắn, thư điện tử, điện thoại... của người dân khắp nơi trên thế giới, thậm còn nghe lén điện thoại của lãnh đạo hàng chục quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương rơi vào khủng hoảng niềm tin.

Snowden đã trở thành "giọt nước tràn ly" khiến mối quan hệ Mỹ-Nga rơi vào thời kỳ băng giá, đặc biệt sau khi Moskva quyết định trao qui chế cư trú tạm thời cho Snowden, người đang bị Washington truy lùng gắt gao với cáo buộc phạm tội phản quốc.

Tổng thống Obama đã quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin theo kế hoach ban đầu và tạm dừng “tái khởi động” quan hệ với Nga. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nga đã bị loại ra khỏi ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ít nhất là đến năm 2017.

Không chỉ dừng lại ở đó, mối quan hệ Mỹ-Nga trong năm "Con Rắn" còn bị bồi thêm "cú đòn" mang tên Ukraine. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã soạn thảo chương trình "Đối tác phương Đông" nhằm lối kéo các quốc gia ở khu vực hậu không gian Xô viết, nơi Nga coi là "sân sau" của mình.

Khi chương trình nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Nga ở các nước Liên xô cũ đứng trước nguy cơ đỗ vỡ do Ukraine tạm hoãn các cuộc đàm phán về ký kết Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và thành lập khu vực tự do thương mại FTA song phương, thì phương Tây lại chơi bài "không ăn được thì đạp đổ."

Các quan chức hàng đầu châu Âu và Mỹ đã vội vàng đến Kiev để cổ vũ tinh thần cho những người biểu tình phản đối Chính phủ với lý do Kiev không kiên định với đường lối liên kết châu Âu.

Những hành động của các quan chức hàng đầu ở phương Tây nhằm cổ xúy cái gọi là "dân chủ đường phố" bị Moskva và dư luận quốc tế coi là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền như Ukraine đồng thời Điện Kremlin nhấn mạnh không ai cần đến nền "dân chủ đường phố" đã và đang gây ra bao đau khổ, tang thương cho các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi dưới cái tên gọi mỹ miều "Mùa Xuân ẢRập."

Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ còn leo thang liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Với phương châm "nhân quyền cao hơn chủ quyền," Washington luôn cho phép họ có quyền phán quyết về mọi vấn đề nhân quyền trên thế giới, trong đó có nước Nga. Mỹ cho rằng nhiều quan chức cấp cao của Nga đã vi phạm nhân quyền nên quyết định trừng phạt bằng cách thông qua "Đạo luật Magnitsky.”

Ngay lập tức, ông Putin cũng thông qua đạo luật cấm người Mỹ nhận con nuôi quốc tịch Nga. Chính sách “thọc gậy bánh xe” – can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, khiến mối quan hệ giữa Washington và Moskva càng trở nên căng thẳng trong năm 2013.

Có thể khẳng định rằng hợp tác trong bất đồng là đặc điểm nổi bật trong quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống Obama. Do đó, quan hệ giữa Washington và Moskva trong thời gian tới (ít nhất là đến hết nhiệm kỳ của ông Obama) vẫn tiếp tục phát triển theo xu hướng hợp tác trong bất đồng, nhưng ít có khả năng xuất hiện bước đột phá vì lập trường của hai bên về những vấn đề chủ chốt trong quan hệ Mỹ-Nga cũng như trong các vấn đề quốc tế quan trọng, vẫn còn quá khác biệt./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục