Quan hệ song phương Mỹ-Trung đang trong giai đoạn 'tan băng'?

Mặc dù hiện tại cả Trung Quốc và Mỹ đều cam kết đối thoại mang tính xây dựng và cố gắng tìm thỏa hiệp có thể để đạt được thỏa thuận, nhưng quá trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng.
Quan hệ song phương Mỹ-Trung đang trong giai đoạn 'tan băng'? ảnh 1Một cánh đồng đậu tương ở gần Midland, bang Virginia, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù Washington và Bắc Kinh liên tục bày tỏ thiện chí trước ngày phái đoàn Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại vào tháng 10/2019, nhiều ý kiến cho rằng quan hệ song phương trong giai đoạn “tan băng.”

Tuy nhiên, cũng có quan điểm nhận định rằng Chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đang “dưỡng sức” để tiếp tục cuộc chiến.

Mới đây, phái đoàn Trung Quốc, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân dẫn đầu đã tới Washington vào tuần trước để đàm phán “sơ bộ,” nhằm chuẩn bị cơ sở cho cuộc tiếp xúc toàn diện ở cấp bộ trưởng hai nước vào tháng Mười.

Đặc biệt, theo dự kiến tại cuộc gặp lần này hai bên sẽ thảo luận về việc mua các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc, vì trong đoàn đại biểu đến từ Bắc Kinh có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc Hàn Tuấn.

Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông Mỹ cho biết phái đoàn Trung Quốc có thể đến thăm các trang trại của Mỹ ở Montana và Nebraska. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Trung Quốc đã rời Washington mà không đến thăm các nông trại Mỹ.

[Khó tìm ra giải pháp trong vòng đàm phán Mỹ-Trung mới]

Phát biểu tại một sự kiện được Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung tổ chức tại New York bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/9 đã đáp trả mạnh mẽ những chỉ trích từ Mỹ và cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này nên tôn trọng các lợi ích lẫn nhau và hợp tác vì lợi ích chung của hai nước cũng như vì lợi ích của các nước còn lại trên thế giới.

Ngoài ra, ông Vương Nghị bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ sẽ mang đến kết quả tích cực, kêu gọi Mỹ-Trung cần thúc đẩy quan hệ song phương bằng sự sáng suốt và tin tưởng lẫn nhau.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không đóng cửa mà sẽ mở rộng hơn nữa nền kinh tế của mình.

Trước đó, ngày 24/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích gay gắt các biện pháp thương mại của Trung Quốc trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó ông cũng bày tỏ hy vọng rằng hai siêu cường về kinh tế có thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt bất đồng thương mại.

Trước những diễn biến trên, thị trường chứng khoán Phố Wall phản ứng khá bi quan. Khép lại phiên giao dịch ngày 24/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5% xuống 26.807,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 2.966,60 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất tới 1,5% và kết thúc phiên ở mức 7.993,63 điểm.

Theo kết quả đàm phán mới nhất, cả Mỹ và Trung Quốc đều tự giới hạn mình trong các tuyên bố khô khan. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết cuộc họp diễn ra “hiệu quả” và phía Mỹ mời phái đoàn Trung Quốc tham gia vòng đàm phán tiếp theo vào tháng Mười.

Theo Tân Hoa xã, phía Trung Quốc đánh giá cuộc đàm phán là “mang tính chất xây dựng,” nhưng không đi sâu vào chi tiết.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Donald Trump lưu ý rằng Mỹ sẽ chỉ ký thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc, chứ không có thỏa thuận tạm thời.

Ông Trump nói rằng Mỹ không vội vàng trong vấn đề này, và không có vấn đề gì nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử năm 2020.

Theo ông Li Kai, chuyên gia của Đại học Sơn Tây Trung Quốc, phản ứng của thị trường là dễ hiểu bởi không có sự đột phá nào trong đàm phán hiện tại, Tổng thống Trump nhấn mạnh một thỏa thuận toàn diện nên khó có thể mong đợi kết quả đáng kể sau cuộc đàm phán tháng Mười. Quá nhiều mâu thuẫn đã tích lũy giữa hai bên. Mặc dù hiện tại rõ ràng cả Trung Quốc và Mỹ đều cam kết đối thoại mang tính xây dựng và đang cố gắng tìm thỏa hiệp có thể để đạt được thỏa thuận, nhưng quá trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Trong một động thái được cho là để trấn an thị trường và ngăn sự đầu cơ không cần thiết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc Hàn Tuấn phát biểu rằng việc hủy bỏ chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc tới các trang trại Mỹ không liên quan gì đến kết quả đàm phán.

Theo quan chức này, từ quan điểm tương tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông sản, cuộc đàm phán đã được tổ chức theo hướng tích cực và Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng hợp tác.

Theo quan điểm phía Mỹ, vấn đề Trung Quốc mua nông sản là nền tảng đàm phán thương mại.

Trước thềm cuộc bầu cử, điều quan trọng đối với Chính quyền Tổng thống Trump là bảo vệ lợi ích của nông dân - những cử tri ủng hộ Tổng thống Mỹ. Và Trung Quốc là thị trường trọng điểm đối với họ.

Mặt khác, điều quan trọng đối với Trung Quốc là làm sao để Mỹ hủy bỏ mức thuế hiện có và chắc chắn không đưa ra các mức thuế mới. Như Bắc Kinh ghi nhận nhiều lần, chỉ trên cơ sở như vậy hai bên mới có thể tiếp tục cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất được một số nhượng bộ: Trung Quốc miễn trừ thuế bổ sung cho một số sản phẩm nông nghiệp Mỹ, bao gồm đậu tương và thịt lợn.

Trong khi đó, Mỹ thì loại trừ khỏi danh sách hàng hóa phải chịu thuế nhiều mặt hàng. Để đổi lấy việc Bắc Kinh mua đậu tương Mỹ, ông Trump đồng ý hoãn tăng thuế cho đến ngày 15/10.

Về cơ bản, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là “chuyện dài nhiều tập,” với những đòn giơ cao đánh khẽ cả từ hai phía, như phân tích của giới chuyên gia.

Những người lạc quan cho rằng Chính quyền hai bên đang trong giai đoạn hòa hoãn, tạm buông vũ khí sau 13 vòng đàm phán trong 18 tháng vừa qua.

Trả lời phỏng vấn đài RFI, Giám đốc DCA-Chine Analyse, một cơ quan tư vấn cho các doanh nhân Pháp muốn hoạt động tại Trung Quốc, ông Jean François Dufour, phân tích về những động cơ khách quan khiến cả phía Bắc Kinh lẫn Washington cùng chìa bàn tay thân thiện với nhau.

Theo ông Jean-François Dufour, đây có lẽ là giai đoạn đôi bên cùng muốn hạ nhiệt. Phía Trung Quốc ý thức được tốc độ tăng trưởng trong nước đang chững lại và một trong những nguyên nhân chính là do xung đột thương mại với Mỹ. Đây có thể không là yếu tố chính hay một lý do mang tính quyết định, nhưng cuộc đọ sức với Mỹ lần này khiến tình hình thêm nghiêm trọng.

Ngay từ đầu, Bắc Kinh luôn chủ trương đối thoại, bởi Trung Quốc không phải là bên khơi mào cuộc chiến thương mại.

Về phía Mỹ, sau một năm rưỡi, Chính quyền Tổng thống Trump nhận thấy rằng nếu đi đến cùng, cuộc chiến này sẽ đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng, mà khi đó thì Mỹ cũng bị ảnh hưởng bất lợi. Hơn nữa các doanh nghiệp lớn ở Mỹ gây áp lực với Chính phủ để Washington và Bắc Kinh tìm kiếm một sự đồng thuận. Đó là những yếu tố khách quan.

Vấn đề thứ hai, ông Jean-François Dufour chỉ ra về cơ bản tranh chấp thương mại Mỹ-Trung không hề tiến triển từ hơn một năm rưỡi qua. Trung Quốc chỉ nhượng bộ trên những khía cạnh thuần túy về thương mại và đó chỉ là những cử chỉ nhất thời.

Quan hệ song phương Mỹ-Trung đang trong giai đoạn 'tan băng'? ảnh 2Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái), Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Chính quyền Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi cơ cấu vận hành, tức là xét lại quy chế của các doanh nghiệp nhà nước, xét lại khả năng can thiệp của nhà nước trong các hoạt động kinh tế… Khó có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ chiều lòng Washington.

Do vậy, ông Jean-François Dufour tỏ ra thận trọng trước những cử chỉ hòa hoãn gần đây của Washington và Bắc Kinh.

Ông nói: “Còn quá sớm để có thể tin rằng Trung Quốc và Mỹ đình chiến. Tuy nhiên, việc đôi bên trở lại bàn đàm phán đã là một điều tốt. Cần nhắc lại rằng hồ sơ thương mại Mỹ-Trung không có tiến triển từ 18 tháng qua và vẫn chưa có một thỏa thuận nào giữa hai nước. Chúng ta cũng không hề biết rằng sắp tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán những gì”.

Liệu rằng sau hơn một năm rưỡi giằng co với Mỹ về thương mại, Bắc Kinh có lùi bước về vấn đề nông sản để cứu lấy ngành xuất khẩu và nhất là cứu Huawei, "con chim đầu đàn" của nền công nghệ cao Trung Quốc hay không?

Ông Jean-François Dufour nhận định Trung Quốc trên thực tế không cần phải nhập khẩu của Mỹ những mặt hàng trên và thực tế đây chỉ là một cử chỉ nhằm xoa dịu của Chính quyền Tổng thống Trump.

Bắc Kinh mong muốn Mỹ ngưng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu, nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước hay ngừng can thiệp vào các hoạt động kinh tế. Đó chính là cốt lõi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay.

Báo chí nói nhiều đến tình trạng các tập đoàn của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc chịu tác động tiêu cực vì xung đột thương mại.

Theo Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải, 25% các doanh nghiệp Mỹ tại đây dự báo doanh thu giảm trong năm 2019 và không ít trong số này có kế hoạch tìm kiếm những bãi đáp mới trong khu vực Đông Nam Á. Hơn một nửa những người được hỏi lo ngại về việc cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc đang chựng lại.

Về điểm này ông Jean-François Dufour phân biệt giữa một bên là các công ty của Mỹ và bên kia là các doanh nghiệp gia công cho các tập đoàn của Mỹ.

Ông cho biết: “Tôi chưa thấy hiện tượng các doanh nghiệp Mỹ ồ ạt rút vốn khỏi Trung Quốc. Ngược lại, các đối tác nước ngoài làm việc với các công ty Mỹ thì đã di dời cơ sở sản xuất sang những quốc gia khác trong khu vực. Xu hướng đó liên quan trực tiếp đến các hãng làm gia công cho các tập đoàn Mỹ. Ngược lại, các công ty Mỹ đầu tư tại Trung Quốc là nhắm vào thị trường Trung Quốc chứ không chỉ để tận dụng chi phí sản xuất rẻ của nước này để xuất khẩu hàng trở về Mỹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục