Quan hệ thương mại Việt Nam-Thụy Sĩ phát triển tốt đẹp

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thụy Sĩ trong 11 tháng của năm 2013 đạt 1.039 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Thụy Sỹ đạt khoảng 1,8% tạo điều kiện cho lĩnh vực xuất nhập khẩu cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng lên của thị trường nội địa.

Tổng Cục Hải quan Thụy Sĩ đã đạt nguồn thu kỷ lục 24,1 tỷ franc Thụy Sĩ (27,1 tỷ USD) trong năm 2013, chiếm một phần ba tổng nguồn thu của chính phủ liên bang. Riêng thuế giá trị gia tăng thu được từ hàng nhập khẩu trong năm ngoái vào khoảng 12,2 tỷ franc, chiếm một nửa tổng doanh thu của hải quan Thụy Sĩ.

Theo số liệu báo cáo thống kê của Tổng Cục Hải quan Thụy Sĩ, tình hình thương mại hai chiều Việt Nam-Thụy Sĩ trong năm qua tiếp tục tiến triển tốt đẹp. Trong khi xuất khẩu vàng giảm mạnh, chiếm tỷ lệ không đáng kể (0,28% tổng kim ngạch xuất khẩu) thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy móc và phụ tùng cơ khí, thiết bị điện tăng nhanh. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc thay đổi cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thụy Sĩ trong 11 tháng của năm 2013 đạt 1.039 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt 695,1 triệu USD, tăng 14,5% và nhập khẩu đạt 343,89 triệu USD, tăng 5,36%.

Việt Nam xuất siêu sang Thụy Sĩ đạt 351,2 triệu USD, tăng 25,25% so cùng kỳ năm 2012.

Còn theo số liệu của Tổng Cục hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đạt 700,3 triệu USD, giảm 12% so với năm 2012.

Việc giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 chủ yếu do giảm xuất khẩu vàng, đá quý và càphê, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do tăng nhập khẩu mặt hàng dược phẩm.

Cho đến nay, Thụy Sĩ vẫn là nền kinh tế mạnh, ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới với những điều kiện thuận lợi cơ bản cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, đặc điểm của thị trường Thụy Sĩ là hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tính nhân văn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa xuất khẩu cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và tuyệt đối không sử dụng lao động trẻ em trong các dây chuyền sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục