Quan hệ Thụy Sĩ-EU căng thẳng vì vấn đề nhập cư

Quan hệ EU-Thụy Sĩ đang trở nên căng thẳng sau khi Thụy Sĩ từ chối ký thỏa thuận mở cửa thị trường lao động cho Croatia.
Quan hệ Thụy Sĩ-EU căng thẳng vì vấn đề nhập cư ảnh 1Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ hạn chế nhập cư. (Nguồn: AP)

Quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Thụy Sĩ đang trở nên căng thẳng sau khi Thụy Sĩ từ chối ký thỏa thuận mở cửa thị trường lao động cho Croatia - thành viên mới nhất của EU.

Ngày 15/2, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ tuyên bố nước này sẽ không ký thỏa thuận cho phép công dân Croatia tự do tham gia thị trường lao động của Thụy Sĩ do kết quả cuộc trưng cầu dân ý về hạn chế nhập cư hôm 9/2.

Phản ứng trước tuyên bố trên, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Joe Hennon cho biết căn cứ vào tình hình hiện nay, các cuộc đàm phán sắp tới giữa EU và Thụy Sĩ về việc Thụy Sĩ tham gia chương trình nghiên cứu và giáo dục của EU sẽ bị hoãn cho đến khi nước này ký thỏa thuận mở cửa thị trường lao động với Croatia.

Thụy Sĩ sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ quyết định trên của EU. Trước hết, Thụy Sĩ sẽ không được tham gia chương trình nghiên cứu và phát triển tầm nhìn 2020 và chương trình trao đổi giáo dục trên thế giới Eramus của EU, vì tất cả các chương trình này đều liên quan đến vấn đề tự do đi lại.

Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập cư của Thụy Sĩ có thể khởi động cái gọi là "điều khoản trì hoãn ký kết thỏa thuận," sẽ đóng băng hàng loạt các thỏa thuận giữa Thụy Sĩ và EU, kể cả thương mại.

Năm 1999, Thụy Sĩ đã ký với EU thỏa thuận chấp nhận các quy định về tự do đi lại của EU và được mở rộng vào năm 2008, khi Bern tham gia Hiệp ước Schengen.

Nếu Thụy Sĩ và EU không thỏa thuận được cách giải quyết vấn đề này và Thụy Sĩ hủy bỏ hiệp ước tự do đi lại, thì điều khoản "trì hoãn ký kết thỏa thuận" sẽ có hiệu lực, ảnh hưởng đến một loạt hiệp định giữa hai bên liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ quan hệ kinh tế và thương mại tới tự do tiếp cận thị trường và các sản phẩm nông nghiệp.

Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 9/2, khoảng 50,3% cử tri Thụy Sĩ đã đồng ý hạn chế nhập cư từ các nước EU. Theo đó, Chính phủ Thụy Sĩ buộc phải đàm phán lại thỏa thuận về thị trường lao động với EU trong vòng 3 năm, trong khi các quy định hiện tại vẫn còn hiệu lực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục