Quan hệ Trung-Nhật có thể lạnh nhạt hơn bởi đề xuất cải tổ WTO

Với việc Nhật Bản đang xích lại gần Mỹ và EU bởi nhu cầu tiến hành cải tổ các luật lệ của WTO về trợ cấp thương mại, một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể rất khó đạt được.
Quan hệ Trung-Nhật có thể lạnh nhạt hơn bởi đề xuất cải tổ WTO ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. (Nguồn: AFP)

Theo scmp.com, thời gian gần đây, quan hệ Trung-Nhật hầu như không phải là tâm điểm chú ý của thế giới do bị nhiều sự kiện khác lấn át, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và thậm chí là Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới quản lý mối quan hệ của họ sẽ trở nên quan trọng trong năm 2020.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Nhật Bản vào khoảng tháng 4/2020. Cả ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều coi chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng chứ không phải mang tính nghi thức.

Hai bên sẽ cố gắng để đạt được những kết quả khả quan, ít nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế vốn vô cùng quan trọng. Rắc rối là ở chỗ do nền kinh tế của cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đã chậm lại, nên hai bên đang tìm cách để giảm bớt sự phụ thuộc vào một chính quyền (của Tổng thống Mỹ Donald) Trump không kiên định.

Thế nhưng, thật khó có thể hình dung sự hội tụ về lợi ích giữa hai nước láng giềng này - vốn có 2 hệ thống kinh tế rất khác biệt.

Trong bối cảnh này, việc lên tiếng chỉ trích có thể là cách Trung Quốc phản ứng với quyết định của Nhật Bản gia nhập hàng ngũ với Mỹ và hiện giờ Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thúc giục đưa ra các quy định thương mại để ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng trợ cấp của nhà nước để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này sẽ tấn công trực tiếp vào hệ thống kinh tế của Trung Quốc.

[Nhật Bản, Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình]

Mỹ đang có ý định duy trì các biện pháp thuế với Trung Quốc cho đến khi thỏa thuận thương mại “giai đoạn 2” được ký kết và điều này hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy nhập khẩu tư liệu sản xuất từ Nhật Bản vốn cần thiết cho việc sản xuất hàng xuất khẩu.

Cùng lúc đó, khả năng của Nhật Bản trong việc gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị hạn chế bởi nhu cầu sụt giảm. Điều này để ngỏ khả năng hợp tác kinh tế Trung-Nhật gia tăng trong các dự án chung tại nước thứ ba.

Nhật Bản đã bày tỏ dấu hiệu rằng họ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng của sáng kiến Vành đai và Con đường tại nước thứ ba.

Tuy nhiên, cho đến nay, các ví dụ điển hình về sự hợp tác như vậy là rất hạn chế. Trong khi đó, Nhật Bản đã đứng về phía Mỹ trong việc chỉ trích “chất lượng” của các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Hiện rất khó để nhận thấy bất kỳ cơ hội nào cho hợp tác của hai bên.

Tất cả những điều này có lẽ sẽ được che đậy để tô điểm cho một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong chuyến thăm sắp tới của Tập Cận Bình tới Tokyo.

Tuy nhiên, giờ đây, với việc Nhật Bản đang xích lại gần Mỹ và EU bởi nhu cầu tiến hành cải tổ các luật lệ của WTO về trợ cấp thương mại, một thỏa thuận như vậy có thể rất khó đạt được.

Tuần trước, Washington, Brussels và Tokyo đã đưa ra tuyên bố chung trong đó ủng hộ đề xuất về việc thắt chặt các luật lệ trong WTO. Các quy định như vậy sẽ ngăn chặn các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của nhà nước, điều cho phép họ đạt được lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Theo Financial Times, đề xuất thay đổi trong các quy định của WTO “nhằm vào các phần cốt lõi trong mô hình kinh tế của Trung Quốc” để hối thúc lệnh cấm mọi loại hình hậu thuẫn của nhà nước và kêu gọi các chính phủ “hành động mạnh hơn nữa để chứng tỏ rằng sự hậu thuẫn chính thức dành cho các công ty không làm bóp méo thương mại.”

Các quy định được sửa đổi có thể được áp dụng bởi nhiều nền kinh tế WTO thay vì đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 164 thành viên - yêu cầu từng khiến các vòng đàm phán trước đây bế tắc do thiếu sự đồng thuận chung.

Trung Quốc có thể lập luận rằng các hệ thống kinh tế khác nhau phản ánh các ưu tiên quốc gia khác nhau và rằng trong mô hình do doanh nghiệp nhà nước lãnh đạo như của họ, nó phản ánh sự sẵn sàng của người dân trong việc ủng hộ các hoạt động ở nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, thông qua các khoản thuế.

Do bối cảnh căng thẳng về các vấn đề an ninh khu vực liên quan đến Trung Quốc khó có thể được giải quyết một cách căn bản trong chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Nhật Bản, sự cần thiết để hai nước tìm ra các lĩnh vực giúp gia tăng hợp tác kinh tế sẽ còn lớn hơn nữa.

Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản có thể lựa chọn né tránh đối đầu với Trung Quốc về ý thức hệ kinh tế căn bản. Tokyo - cùng với Mỹ và các nước khác - đang theo đuổi cách tiếp cận khác với sáng kiến Vành đai và Con đường. Việc tham gia cuộc đối đầu trên mặt trận thứ 2 sẽ không mang lại hiệu quả cho thời đại hợp tác kinh tế mới Trung-Nhật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục