Quan hệ và hợp tác Ấn-Việt sẽ tiến nhanh hơn nữa

Tạp chí NAM TODAY đã đăng bài viết của nghị sỹ Quốc hội Ấn Độ Bhubaneswar Kalita về sự năng động trong chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Quan hệ và hợp tác Ấn-Việt sẽ tiến nhanh hơn nữa ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong số ra đặc biệt nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (19-22/11), tạp chí NAM TODAY đã đăng bài viết của nghị sỹ Quốc hội Ấn Độ Bhubaneswar Kalita về sự năng động trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, trong đó có quan hệ với Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Về phần quan hệ Ấn-Việt, nghị sĩ Kalita viết:

Trong khi phân tích đánh giá về cấu trúc khu vực, trong đó có những lợi ích ngày càng tăng của các nước thuộc Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nói rõ trong bài phát biểu tại Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề thế gới (ICWA) ở New Delhi ngày 12/7/2013: “Chúng ta sẽ có một quan điểm rộng rãi hơn bao giờ hết rằng châu Á-Thái Bình Dương và Nam Á có mối liên kết trong cái gọi là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific).”

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói: “Ngày nay đã có nhiều đề nghị, nhiều ý tưởng, nhiều khái niệm và nhiều sáng kiến khuyến khích sự liên kết giữa Nam Á với Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Điều này thể hiện một thực tế rằng tất cả chúng ta cùng chia sẻ sự thịnh vượng, vận mệnh của chúng ta quện vào với nhau và ASEAN đóng vai trò quan trọng như một chiếc cầu liên kết các khu vực của chúng ta, như một “ngưỡng cửa” để Ấn Độ bước vào châu Á-Thái Bình Dương.”

Bộ trưởng Phạm Bình Minh còn nói rằng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn coi Ấn Độ như một đối tác quan trọng và được tôn sùng vì về mặt tự nhiên Ấn Độ đã có sự hiện diện lớn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về tầm cỡ quốc gia, về tầm cỡ kinh tế và sự sẵn sàng nắm vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Tháng 12/2012, Ấn Độ và Việt Nam đã bế mạc Năm Hữu nghị, trong đó cả hai bên đều nỗ lực nhằm cụ thể hóa nhiều biện pháp quan trọng để tăng cường quan hệ song phương.

Trong năm 2013 này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son đã thăm Ấn Độ và cùng Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Kapil Sibal đạt một số thỏa thuận, trong đó có đề nghị Ấn Độ và Việt Nam thành lập các liên doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Một điểm quan trọng nữa là Tata Power đã giành được hợp đồng 1,8 tỷ USD để xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại tỉnh Sóc Trăng, đưa Ấn Độ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 12 tại Việt Nam.

Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 4 tỷ USD, trong 6 nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã lên gần 2,6 tỷ USD. Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2013, Ấn Độ có 86 dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 10/100 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam ủng hộ chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ và Ấn Độ coi Việt Nam như một đồng minh tin cậy trong ASEAN trên bàn cờ địa - chính trị của mình. Năm 2012, Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Điều quan trọng là Ấn Độ và Việt Nam đang kỷ niệm 6 năm Đối tác chiến lược và chuyển động với tốc độ nhanh hơn để thực hiện các cam kết tăng cường hợp tác trong năm 2013.

Cuối bài viết, nghị sỹ Kalita đề xuất, khu vực Đông-Bắc Ấn Độ nằm ở trung tâm của khu vực tự do thương mại ASEAN-Ấn Độ theo dự kiến, và cũng nằm trong Sáng kiến vịnh Bengal về khu vực tự do thương mại Hợp tác kinh tế-kỹ thuật nhiều lĩnh vực (the Bay of Bengal Initiative for Multi Sectoral Economic and Technological Co-operation – BIMSTEC), do đó khu vực này có tiềm năng trở thành điểm nhấn của hai khối kinh tế trong tương lai.

Đây sẽ là thành tựu lớn trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ, mang lại lợi ích tực tiếp cho Ấn Độ và Việt Nam về hợp tác kinh tế song phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục