Quan hệ Việt-Nhật, còn đó những tiềm năng

Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, còn đó những tiềm năng

Đại sứ Việt Nam tại Nhật nhấn mạnh sự hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản trải rộng trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu.
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, còn đó những tiềm năng ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+)

Nhân dịp đầu năm 2014, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có dịp phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng về những thành tựu đạt được trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản năm 2013 và phương hướng triển khai các mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương giữa hai nước đang trong giai đoạn hết sức tốt đẹp.

- Năm 2013 vừa qua là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Đại sứ có thể chia sẻ một số đánh giá về quan hệ Việt-Nhật trong năm qua có những nét gì nổi bật?

* Đại sứ: Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đồng thời được lãnh đạo hai nước nhất trí là Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Tính đến thời điểm này, các hoạt động trong năm 2013 nhằm kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước và Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đã thành công rất tốt đẹp.

Theo tôi, điều dễ nhận thấy nhất là nhân dân và lãnh đạo của cả hai nước đều rất vui mừng vì chúng ta đã có được mối quan hệ tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Điều đó được thể hiện rất rõ là tình hữu nghị giữa hai nước được củng cố và tăng cường. Và trên tinh thần tin cậy lẫn nhau. Sự hợp tác giữa hai nước trải rộng trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, từ vấn đề viện trợ chính thức (ODA) với những dự án rất lớn và hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam cho đến đầu tư của Nhật Bản liên tục vào Việt Nam với số lượng rất lớn.

Riêng năm 2013, đầu tư của Nhật Bản cam kết vào Việt Nam lên tới hơn 5,6 tỷ USD. Đây là con số rất ấn tượng. Các lĩnh vực khác chúng ta triển khai cũng rất tích cực. Về thương mại, trong điều kiện tỷ giá đồng yên với USD thay đổi, đồng yên mất giá, nhưng hai nước vẫn duy trì được kim ngạch thương mại lớn trên dưới 25 tỷ USD. Các lĩnh vực khác cũng phát triển rất tích cực. Như số lượng khách du lịch Nhật Bản tiếp tục vào Việt Nam với con số đầy ấn tượng. Khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản cũng tăng mạnh. Đặc biệt, về giao lưu con người, học sinh, sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản cũng tăng đột biến.

Các lĩnh vực khác đều có những bước phát triển đầy ý nghĩa và thực chất. Ngay cả lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng, chúng tôi thấy sự hợp tác hai nước ngày càng gắn bó, thực chất và có ý nghĩa. Nhín chung, có thể nói rằng năm 2013 là năm rất thành công, một năm rất ấn tượng trong quan hệ hai nước. Và tôi nghĩ rằng việc chúng ta tổ chức sự kiện những ngày Việt Nam ở Nhật Bản năm 2013 và một loạt những sự kiện giao lưu giữa hai nước trên mọi lĩnh vực là những điểm nổi bật nhất của năm vừa qua.

- Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 12/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố khoản ODA dành cho Việt Nam trị giá 1 tỷ USD đồng thời cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trên nhiều phương diện. Đại sứ đánh giá ra sao về chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt là cam kết ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam?


* Đại sứ:
Tôi xin khẳng định là chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành công tốt đẹp. Có thể nói, đây là chuyến thăm giúp kết thúc một cách đầy đặn mối quan hệ hai nước năm vừa qua. Mở đầu năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam mà như chúng ta vẫn thường nói rằng Việt Nam là chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài của Ngài Thủ tướng Abe trong nhiệm kỳ thứ hai. Và hai thủ tướng cũng tuyên bố bắt đầu Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại Hà Nội. Và với chuyến thăm chính thức của Thủ tướng nước ta tới Nhật Bản vào cuối năm, gói lại một năm tràn đầy những sự kiện tốt đẹp giữa hai nước. Đó là điều rất vui mừng trong quan hệ hai nước.

Điểm đáng chú ý thứ hai là trong các cuộc hội đàm và tiếp xúc, hai vị thủ tướng đã bàn đến hầu hết tất cả các vấn đề lớn trong quan hệ hai nước và đặc biệt là những trọng tâm về hợp tác kinh tế. Chúng ta thấy rằng một năm như tôi đã nói ở đầu là thắng lợi về mọi mặt trong quan hệ giữa hai nước. Nhật Bản tiếp tục cam kết dành cho Việt Nam ODA ở mức rất cao. Với việc hai thủ tướng chứng kiến lễ ký kết giai đoạn một gói số một ODA năm 2013 trị giá 550 triệu USD và ngay lập tức cũng tuyên bố là cam kết sẽ dành gói ODA thứ hai của năm 2013 cho chúng ta 100 tỷ yen (1 tỷ USD).

Đây là con số đầy ấn tượng. Ấn tượng ở chỗ là trong điều kiện Nhật Bản cũng cần rất nhiều nguồn kinh phí để phát triển cũng như phải hỗ trợ rất nhiều nước trên thế giới nhưng với Việt Nam, Nhật Bản cam kết ở mức rất là cao. Và đặc biệt là những công trình vô cùng có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tôi tin rằng trong những năm tiếp theo, với đà phát triển quan hệ như thế này, Nhật Bản sẽ tiếp tục là nước tiếp tục cung cấp viện trợ ODA lớn cho Việt Nam hỗ trợ chúng ta trong việc phát triển đồng thời cũng tạo đà cho các nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm sự hợp tác làm ăn với chúng ta có thể yên tâm đến làm ăn ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

- Nhật Bản là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến được cơ giới hoá ở mức cao trong khi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với tỷ trọng đóng góp cho GDP rất lớn. Đại sứ đánh giá ra sao về tiềm năng hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản? Và để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, hai nước nên bắt đầu từ lĩnh vực nào và theo cách thức nào?

* Đại sứ: Đúng là như vậy. Nhật Bản là một nước công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới nhưng Nhật Bản cũng có một nền nông nghiệp rất tiên tiến được cơ giới hoá rất cao. Chúng ta là một nước nông nghiệp. Từ khi sang nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Nhật Bản, bên cạnh việc thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước như chúng ta đang tiến hành, đặc biệt là thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam, chúng tôi cũng nhận thấy rằng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước còn rất to lớn. Có rất nhiều những khía cạnh mà chúng ta có thể hợp tác với Nhật Bản, từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản và từ việc chúng ta cần cơ giới hoá nông nghiệp của chúng ta cho đến việc phát triển nông thôn, vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn,… Rất nhiều lĩnh vực chúng ta có thể hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Nhật Bản.

Tôi cảm thấy vui mừng là hiện nay việc hợp tác nông nghiệp cũng rất được coi trọng trong chính sách của Việt Nam. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi cũng nhấn mạnh đến hợp tác nông nghiệp là một hướng ưu tiên cao trong sự phát triển của Việt Nam. Và hợp tác với bên ngoài là rất cần thiết để thực hiện mục tiêu này. Nhờ sự thúc đẩy của chúng ta, tháng 5/2013, Bộ trưởng Nông nghiệp của Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã đến thăm Việt Nam và cũng đã có thoả thuận sơ bộ với Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát về một loạt những hướng mà hai bên có thể bàn thảo hợp tác.

Hiện nay, tôi thấy bên cạnh tiềm năng sẵn có của hai bên, còn một vấn đề nữa cũng rất phù hợp để hai bên thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp. Đó là hai nước đều tham gia đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP sẽ mở cửa cho các nước hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi cho rằng tiềm năng đã có và cơ hội cũng đã mở ra. Chúng ta cần tận dụng cơ hội để thúc đẩy về nông nghiệp. Vấn đề là chúng ta nên hợp tác với Nhật Bản như thế nào?

Ở Nhật Bản, nông nghiệp vẫn còn là vấn đề rất nhạy cảm trên chính trường Nhật Bản. Dư luận Nhật Bản cũng không phải là không có những mối lo ngại về việc mở cửa thị trường nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nông nghiệp Nhật Bản. Do đó, cách đi của chúng ta cần rất mạch lạc, rõ ràng và cũng phải biết cách. Chúng ta có thể mở rộng hợp tác với Nhật Bản trên mọi lĩnh vực của nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rõ với các bạn Nhật Bản để tránh sự hiểu nhầm. Đó là chúng ta không hợp tác để tạo ra sự cạnh tranh với Nhật Bản trên thị trường Nhật Bản. Thực sự, với những lợi thế và điểm mạnh của nông nghiệp Nhật Bản và với sự tin cậy giữa hai bên, việc nhằm vào thị trường 90 triệu dân của chúng ta cũng đã là điều vô cùng tuyệt vời cho người tiêu dùng Việt Nam.

Và bên cạnh đó, chúng ta cũng xuất khẩu sản phẩm của chúng ta ra những thị trường khác. Còn những lĩnh vực mà Nhật Bản có yêu cầu nhập khẩu của chúng ta hợp tác với chúng ta để phục vụ thị trường Nhật Bản thì chúng ta sẵn sàng. Chúng ta không nhằm cạnh tranh với Nhật Bản, kể cả về lúa gạo. Đây là lĩnh vực mà phía bạn rất quan tâm. Thứ hai, tôi nghĩ là với cách đặt vấn đề như vậy, những lĩnh vực mà hai bên đều cảm thấy rằng nếu hợp tác sẽ cùng có lợi thì hai bên tiến hành trước.

Một điểm đáng mừng là rất nhiều địa phương của Nhật Bản hiện nay đã hiểu, thông cảm, chia sẻ và tin cậy Việt Nam. Họ cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Chúng ta sẽ đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp theo cấp độ giữa các địa phương với nhau. Kể cả trên mọi lĩnh vực mà chúng ta quan tâm để có thể tìm kiếm sự hợp tác với Nhật Bản. Và điều đó tôi tin chắc là sẽ rất có ích cho việc phát triển một nền nông nghiệp mạnh của chúng ta theo hướng hiện đại.

Tôi cũng từng trao đổi với các bạn Nhật Bản rằng “khi xã hội chúng tôi được ổn định hơn bằng việc phát triển một nền nông nghiệp mạnh hơn, tốt hơn thì chúng tôi càng có điều kiện để thực hiện hợp tác với Nhật Bản cũng như quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước chúng tôi.” Điều đó có lợi cho cả hai nước và có lợi cho môi trường hợp tác chung trong khu vực.


- Đại sứ có thể đưa ra một số nhận định về triển vọng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong năm 2014 không?


* Đại sứ:
Tôi cho rằng những năm vừa qua chúng ta đã tạo một đà rất tốt cho quan hệ hai bên. Năm 2014 và những năm tiếp theo, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Và đặc biệt, như chúng ta thấy, năm 2014, chúng ta đang chờ đón một chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nhật Bản. Và tôi tin chắc rằng qua chuyến thăm này, quan hệ hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa, củng cố hơn nữa và mức độ tin cậy lẫn nhau sẽ cao hơn. Chính việc đó sẽ mở ra khả năng hợp tác cả về chiều rộng lần chiều sâu giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Tôi cho rằng hai nước có một triển vọng rất tốt đẹp để phát triển quan hệ trong thời gian tới vì lợi ích chung của hai nước cũng như hoà bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực.

- Được bạn bè Nhật Bản đánh giá là một vị đại sứ năng động và tâm huyết, Đại sứ có thể chia sẻ những dự định của mình trong năm 2014 nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không?


* Đại sứ:
Mối quan hệ nồng ấm giữa Việt Nam và Nhật Bản đã mang lại những hy vọng cho tất cả chúng ta, những người Việt Nam đang tập trung sức lực để phát triển đất nước mình. Là một đại sứ ở đất nước đang có mối quan hệ như vậy, chúng tôi cũng như tất cả các nhà ngoại giao Việt Nam, những đồng nghiệp Việt Nam đang công tác ở Nhật Bản và cả trong nước đều làm hết sức mình để có thể đóng góp hơn nữa cho mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Đặc biệt như tôi, với tư cách là đại sứ, tôi rất mong muốn đóng góp phần mình để duy trì đà phát triển tốt đẹp hiện nay, mở rộng và củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai bên. Về hướng thúc đẩy quan hệ trong năm 2014, trước hết, tôi nghĩ rằng chúng ta phải tập trung, đôn đốc, triển khai tốt những thỏa thuận đã có vì những năm vừa rồi hai nước chúng ta có rất nhiều những thỏa thuận, những hiệp định tốt đã được ký kết. Thực hiện tốt những cam kết đó đã là điều rất tuyệt vời.

Thứ hai, chúng tôi cũng tập trung để phục vụ tốt nhất, tạo thuận lợi cho những chuyến thăm giữa hai nước, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao, góp phần củng cố quan hệ và mở ra những định hướng mới. Thứ ba, trọng tâm mà chúng tôi vẫn tiến hành suốt thời gian qua và trong những năm tới, đó vẫn là nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, ngoại giao kinh tế theo đúng nghĩa rộng của nó trên mọi lĩnh vực liên quan đến kinh tế từ tranh thủ ngày càng nhiều ODA và FDI, thúc đẩy hơn nữa thương mại, du lịch, hợp tác sản xuất trên nhiều lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường giao lưu văn hóa,… Trong thời gian tôi còn làm đại sứ ở đây, tôi nghĩ rằng một trong những trọng tâm mà từ năm 2014 cho đến những năm tiếp theo chính là hợp tác về nông nghiệp. Chúng tôi sẽ phối hợp với ở nhà để tạo ra bước chuyển có ý nghĩa cho hợp tác giữa hai nước về nông nghiệp.

Theo tôi, đây là một hướng đang rất cần cho đất nước chúng ta và là hướng ưu tiên rất cao. Ngoài ra, việc thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản cũng là một hướng lớn mà chúng tôi đang tập trung vào vì ở đó không chỉ là có giao lưu về hữu nghị giữa các địa phương mà thực sự nó là những cơ hội rất to lớn. Hợp tác về kinh tế, thương mại về các mặt giữa các địa phương. Điều đó cũng đóng góp hết sức ý nghĩa cho sự phát triển của Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, mỗi tỉnh của Nhật Bản cũng là một nền kinh tế lớn.

Cụ thể như GDP của tỉnh Kanagawa ngang bằng với GDP của Thái Lan. Do đó, tôi xin nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Nhật Bản hết sức quan trọng. Ngoài ra, hai bên cũng cần tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu con người trong năm 2014. Tóm lại, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều và đặc biệt là huy động sức mạnh tập thể để triển khai một cách tốt nhất, duy trì được đà tiến như hiện nay. Và tiếp tục mở rộng cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Đó là nguyện vọng của tôi trong năm 2014.

-Xin cảm ơn đại sứ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục