Quan hệ Việt-Mỹ: 15 năm phát triển và trưởng thành

Trải qua 15 năm, cùng với sự phát triển của quan hệ chính trị là sự mở rộng không ngừng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ ba tính theo tổng giá trị giao dịch. Năm 2009, Mỹ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trải qua 15 năm, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ Việt-Mỹ đã không ngừng phát triển và ngày càng sâu sắc.

Trên thực tế, sự hợp tác giữa hai nước đã được bắt đầu từ trước khi bình thường hóa với những cam kết và thiện chí của Việt Nam trong vấn đề tù nhân chiến tranh và tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA). Thái độ thiện chí và tích cực của Việt Nam đã giúp xóa bỏ những ngờ vực, củng cố lòng tin giữa hai nước, tạo đà cho những bước phát triển mạnh mẽ sau này của mối quan hệ song phương.

Tháng 7/1993, Mỹ bỏ lệnh cấm các khoản vay song phương và đa phương dành cho Việt Nam, mở đường cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay tài chính nước ngoài.

Tiếp đó, tháng 2/1994, sau khi được Thượng viện Mỹ thông qua, Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài nhiều năm đối với Việt Nam. Gần một năm sau, hai nước bắt đầu mở văn phòng liên lạc trước khi đi đến chính thức bình thường hóa quan hệ và mở đại sứ quán tại mỗi nước.

Các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên sau đó.

Ngay trong năm 1995, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam.

Ở cấp cao nhất, tháng 11/2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam.

Người kế nhiệm của ông, Tổng thống George W. Bush cũng đến Hà Nội vào năm 2006.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thực hiện các chuyến thăm và làm việc tới Mỹ. Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ tháng 12/2005, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ tháng 6/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ tháng 6/2008 và tháng 4/2010.

Các nhà lãnh đạo hai nước cũng thường xuyên có các cuộc tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương, mới đây nhất là cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Canada.

Cùng với sự phát triển của quan hệ chính trị là sự mở rộng không ngừng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Năm 1995, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt 450 triệu USD, nhưng đến năm 2000, con số này đã tăng lên xấp xỉ 1,2 tỷ USD.

Thời điểm có tính đột phá là năm 2001 khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được thông qua và có hiệu lực.

Năm 2009, kim ngạch thương mại hai nước đã lên tới trên 15 tỷ USD, cao gấp 10 lần so với năm 2001. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ ba tính theo tổng giá trị giao dịch. Năm 2009, Mỹ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Hợp tác giáo dục cũng là một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Vào thời điểm bình thường hóa quan hệ, chỉ có khoảng 800 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Thế nhưng, con số này hiện nay đã tăng lên 13.000 sinh viên, đứng thứ 9 trong số các nước có sinh viên du học tại Mỹ và đứng đầu về tốc độ gia tăng số sinh viên theo học tại quốc gia này.

Hai nước đã thành lập Nhóm đặc trách hợp tác giáo dục vào năm 2008 với mục tiêu giúp cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam và tăng số sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ.

Sự hợp tác, liên kết đào tạo giữa các trường đại học hai nước cũng nở rộ trong những năm gần đây.

Trong lĩnh vực y tế, hai nước đã có những chương trình hợp tác đối phó với dịch bệnh. Việt Nam hiện là một trong số 15 nước trọng điểm trong Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ (PEPFAR) đối phó với đại dịch HIV/AIDS.

Sự hợp tác giữa hai nước cũng được mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Các bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực này của hai nước đã thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau. Đặc biệt, lần đầu tiên hai nước đã thiết lập một cơ chế đối thoại chiến lược về chính trị-an ninh-quốc phòng, trao đổi về các vấn đề như tình hình an ninh khu vực và toàn cầu, chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, an ninh trên biển, tìm kiếm và cứu nạn, thực hiện các chuyến thăm của tàu hải quân và hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Trong các vấn đề mà hai nước còn nhiều khác biệt như nhân quyền, tôn giáo, hai nước đã và đang tiếp tục các cuộc trao đổi thẳng thắn. Thái độ cởi mở, sẵn sàng trao đổi của phía Việt Nam đã được các quan chức Mỹ và các cá nhân, tổ chức liên quan ghi nhận và đánh giá cao.

Để có được mối quan hệ phát triển như hiện nay, không thể không kể đến sự đóng góp của nhân dân hai nước. Chính sự giao lưu, trao đổi, thăm viếng lẫn nhau và hoạt động ngoại giao "kênh 2" đã giúp hai nước có sự hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, xã hội và thể chế của nhau. Tiếng nói của người dân được lắng nghe cả ở hai phía đã góp phần tích cực vào quá trình hoạch định chính sách của mỗi quốc gia.

Ở thời điểm năm 1995, ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng quan hệ Việt-Mỹ sẽ đạt được những thành tựu như ngày nay. Quan hệ Việt-Mỹ sau 15 năm đã chứng minh rằng đối thoại và hợp tác có thể hóa giải những bất đồng, khác biệt trong quan hệ quốc tế và có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Với những gì đã đạt được, cùng với quyết tâm và thiện chí của cả hai bên, có thể tin tưởng rằng quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, đạt được những mục tiêu xa hơn trong những năm tiếp theo trên tinh thần bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, không chỉ phục vụ cho lợi ích của mỗi nước, mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới./.

Đỗ Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục