Quản lý di sản văn hóa: Cần cơ chế giám sát tổng hợp

Thực tế, thời gian qua, một trong những vấn đề nổi cộm ở lĩnh vực quản lý di sản văn hóa là câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng.”
Quản lý di sản văn hóa: Cần cơ chế giám sát tổng hợp ảnh 1Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: PV/Vietnam+)

Câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng" trong quản lý di tích vẫn lặp lại khi thời gian qua, các vụ việc xâm nghiêm trọng di tích liên tục xảy ra (như vụ xâm hại thành cổ Luy Lâu Bắc Ninh), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), Chùa Một Cột bị xuống cấp nghiêm trọng...). Thế nhưng, đến khi dư luận bức xúc, báo chí lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới "biết" để vào cuộc xử lý.

Thực tế này đặt ra câu hỏi về vấn đề trách nhiệm của nhà quản lý trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

"Đá bóng" trách nhiệm

Nhìn nhận về khía cạnh người phát hiện những sai phạm, hai nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh và Bùi Trọng Hiền đều cho rằng, những người phát hiện, nêu ra thực trạng di tích bị xâm phạm không phải là những người làm công tác quản lý di tích, di sản mà chính là nhân dân và các cơ quan báo chí.

"Những người hưởng lương của Nhà nước để quản lý di tích thì không phát hiện ra sai phạm ngay tại chính di tích mình quản lý, hoặc biết mà cố ‘nhắm mắt làm ngơ’ chăng? Họ thờ ơ theo kiểu 'cha chung không ai khóc.' Đau xót hơn, khi sai phạm được phát hiện, không ai chịu đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp. 'Quả bóng' trách nhiệm đó cứ được đẩy từ người này sang người khác; để cuối cùng, việc xử lý sai phạm cũng được tiến hành theo kiểu hình thức, 'phủi bụi' mà thôi," ông Thịnh bức xúc.

[Lại thêm một nghi vấn sai chữ tại Đền Mẫu Âu Cơ]

Điển hình, sau vụ "bức tử" chùa Trăm Gian nghìn năm tuổi vào năm ngoái, trả lời về trách nhiệm của các bên liên quan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khi đó-ông Phạm Quang Long cho biết: “Những bên liên quan phải chịu trách nhiệm thì có nhiều: Ban quản lý di tích, chính quyền xã, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan chuẩn bị vốn...”

Trong khi đó, ông Vũ Văn Đông-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ cho rằng: “Để xảy ra việc đáng tiếc đó do nhận thức của sư trụ trì và Ban quản lý di tích yếu kém; chính quyền xã và huyện không báo cáo kịp thời."

Đến khi được hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Phương Vũ Văn Doãn bày tỏ: “Xã thấy việc hạ giải hai công trình là cấp bách vì mùa mưa bão đang đến, nếu không phá dỡ, để xảy ra tai nạn thì xã không thể gánh trách nhiệm; còn việc triển khai tu bổ, sửa chữa cụ thể như thế nào là việc của nhà chùa và ngành văn hóa.”

Cuối cùng, chiều ngày 15/9/2012, Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ đã báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về mức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân. Tuy nhiên, mức kỷ luật cũng chỉ dừng lại ở kiểm điểm, phê bình, khiển trách đến cảnh cáo.

"Đó quả là một điều trớ trêu! Người ta cứ phá hoại di tích (dưới danh nghĩa trùng tu, tôn tạo) vì thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết rồi chỉ việc kiểm điểm là xong. Nếu cứ như vậy thì tình trạng xâm phạm di tích sẽ không dừng lại," Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia-ông Ngô Đức Thịnh bình luận.

Quản lý di sản văn hóa: Cần cơ chế giám sát tổng hợp ảnh 2Du khách tham quan lăng Khải Định ở cố đô Huế (Ảnh: TTXVN)

Văn bản thiếu đồng bộ

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2010, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành, đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tiếp tục được nghiên cứu xây dựng. Cụ thể, trong ba năm qua, đã có 2 nghị định của Chính phủ, 8 thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được ban hành.

Tuy nhiên, “việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa còn chậm và chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách do thực tế đặt ra; kế hoạch kiểm tra, thanh tra di tích định kỳ chưa được tiến hành. Từ đó dẫn tới việc nhiều di tích bị xâm phạm trong thời gian qua,” ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thừa nhận.

Là người trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, bà Nguyễn Thị Vân, Phòng Quản lý Di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh) chia sẻ: “Hiện nay, trong hệ thống văn bản hướng dẫn bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa, chúng tôi thấy thiếu hai loại văn bản: Văn bản hướng dẫn xây dựng mô hình di tích và văn bản hướng dẫn sử dụng tiền công đức.”

Trước vấn đề này, tiến sỹ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội cho rằng, số tiền thu được từ việc bán vé vào thăm quan các khu di tích, tiền công đức nên được sử dụng theo hướng: Một phần sẽ được trích ra cho những người trực tiếp làm công tác bảo vệ, gìn giữ di tích đó hàng ngày hưởng; phần còn lại dùng cho việc tái đầu tư tôn tạo, trùng tu di tích.

Cần xây dựng cơ chế giám sát tổng hợp

Không chỉ có vậy, vấn đề thanh tra, kiểm tra việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Trong "Báo cáo hoạt động quản lý và phát huy giá trị di tích trong những năm gần đây," Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận: "Công tác thanh tra, kiểm tra di tích chưa được các cơ quan thực hiện thường xuyên. Việc xử lý vi phạm di tích trong thời gian qua cũng chưa kiên quyết, triệt để."

Trước thực tế này, ông Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa bày tỏ: Để việc giám sát, quản lý có hiệu quả không chỉ cần sự vào cuộc rốt ráo của Cục Di sản Văn hóa, Thanh tra cấp Bộ và cấp Sở... mà vấn đề cơ bản nhất là cần xây dựng được cơ chế giám sát tổng hơp.

Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ giám sát việc xây dựng, triển khai và thực hiện các quy định về quản lý nhà nước trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Cùng với đó, cộng đồng dân cư bản địa (nơi có di tích) với tư cách là chủ thể văn hóa sẽ thực hiện chế độ tự quản, tự giám sát việc ứng xử với di sản trong cộng đồng mình, phản ánh những bất cập tới cơ quan quản lý nhà nước và cùng tham góp ý cho việc quản lý của các cơ quan chức năng.

Cụ thể, theo ông, các cộng đồng dân cư có thể cử đại diện các dòng họ tham gia vào quá trình giám sát này cùng các cơ quan quản lý nhà nước.

"Sự song trùng như thế sẽ hình thành cơ chế  giám sát lẫn nhau, khắc phục tình trạng một chiều trong nhìn nhận, đánh giá vấn đề," ông Bài bày tỏ.

Bổ sung ý kiến trên, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia-ông Lưu Trần Tiêu cho rằng: “Nếu như ở các lĩnh vực khác, việc thanh tra thường là giai đoạn ‘hậu kiểm’ thì đối với việc bảo tốn di tích, đó phải là khâu ‘tiền kiểm’; bởi với những yêu cầu riêng về tính chân xác, nguyên vẹn… của di tích lịch sử, sẽ rất khó xử lý, khôi phục lại nguyên gốc trong trường hợp người ta đã sửa chữa.”

Theo ông, công tác thanh tra cần phải được tiến hành nghiêm ngặt từ khâu lập dự án cho tới thiết kế và suốt quá trình thi công. “Thanh tra văn hóa không chỉ để xử lý vi phạm mà còn nhằm nâng cao nhận thức của những người làm công tác quản lý di tích, di sản và toàn thể nhân dân,” giáo sư nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề "đá bóng" trách nhiệm như đã đề cập ở trên là do sự bất cập trong mô hình các ban quản lý di tích: chồng chéo giữa quản lý về mặt hành chính và quản lý về mặt chuyên môn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện nay.

Thông tư số 18/2012/BVHTTDL (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) được coi là một bước tiến mới trong việc quản lý chất lượng trùng tu di tích, góp phần sàng lọc, chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa những người trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, trùng tu di tích. 

Tại điều 6 chương II, Thông tư quy định rõ, bên cạnh bên cạnh các bằng cấp khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… những tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có Chứng nhận hành nghề và Chứng chỉ hành nghề. 

Một trong những điều kiện để cấp hai loại chứng nhận, chứng chỉ đó là: Các đơn vị, cá nhân tham gia vào công tác tôn tạo di tích bắt buộc phải qua các lớp học tập huấn mang tính đặc thù nghề nghiệp của công tác tu bổ di tích.

"Việc cấp chứng nhận, chứng chỉ hành nghề là một khâu nằm trong chiến lược đào tạo đội ngũ có tính lâu dài của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện 'cần,' chưa phải là điều kiện 'đủ' để hoạt động này đạt chất lượng như yêu cầu," tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết.

Ông Hùng thừa nhận, việc trùng tu di tích ở nước ta lâu nay thường bị  đánh đồng với việc sửa chữa nhà cửa bình thường, phần lớn được giao cho những đơn vị, những người thợ xây dựng phổ thông không có chuyên môn và kinh nghiệm. Bởi vậy, hiện tượng những di tích sau khi được tu bổ đã bị biến dạng hoặc di tích bị phá đi để xây mới xảy ra ở nhiều nơi.
Bài 4: Mô hình ban quản lý di tích: “Trăm hoa đua sắc”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục