Tìm hướng đi phù hợp cho quản lý di tích

Quản lý di tích: Nhìn nhận lại để tìm hướng đi phù hợp

Theo giáo sư Trần Lâm Biền, người ta ứng xử với di tích theo kiểu “cha chung không ai khóc” hoặc nhiệt tình mà lại thiếu hiểu biết.

Di tích là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của các thời kỳ lịch sử. Đó cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Do vậy, việc quản lý nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của các ban ngành, đoàn thể.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc thiếu cả ý thức lẫn tri thức về di sản văn hóa đã dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng trong việc bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị của các di tích. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu bức thiết về việc nhận thức lại những vấn đề liên quan, nhằm tìm ra một hướng đi đảm bảo sự hài hòa giữa hai yêu cầu bảo tồn và phát triển giá trị di sản trong bối cảnh đời sống đương đại.

Với loạt bài “Quản lý di tích: Nhìn nhận lại để tìm hướng đi phù hợp,” Báo điện tử Vietnam+ mong muốn mang lại cho độc giả những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng và những hướng đi nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của các di tích.

Bài 1: Ứng xử với di tích: “Nhiệt tình mà thiếu hiểu biết”

Nhắc đến câu chuyện ứng xử với các di tích, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền thở dài: “Thật xót xa khi hiện nay, người ta đối xử với di tích theo kiểu ‘cha chung không ai khóc’ hoặc nhiệt tình mà lại thiếu hiểu biết.”

Minh họa cho nhận định ấy, ông kể, trong quá trình đi thực tế tại khu di tích cố đô Huế, ông có đặt vài câu hỏi mang tính chuyên môn với một số cán bộ thuộc ban quản lý như ‘các cửu đỉnh quay về hướng nào’… thì họ đều không trả lời được.

Nhắc lại câu chuyện này nhiều lần, “tôi không nhằm mục đích chế giễu trực tiếp những cán bộ đó mà để chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, kiến thức chuyên môn của những người làm công tác bảo tồn, quản lý di sản còn nhiều hạn chế. Như vậy, việc lúng túng và thậm chí là sai lầm trong ứng xử với di tích là hệ quả tất yếu,” vị giáo sư này bày tỏ.

“Không biết mình lạy ai!”

Theo ông, không chỉ cán bộ quản lý mà ngay chính người dân cũng có sự hiểu biết rất hạn chế về những di tích mà hàng ngày họ vẫn thăm viếng. 

“Khoảng giữa năm 2013, tôi có vào miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang). Gặp một người phụ nữ trung tuổi bước ra từ đó, tôi có hỏi: ‘vừa rồi, chị vào lễ ai?’ Sau đó, tôi nhận được câu trả lời là ‘tôi vào lễ Bà.’ Tuy nhiên, khi tôi tiếp tục hỏi cụ thể rằng, ‘đó là Bà nào?’ thì người ta bảo không biết. Lặp lại những câu hỏi này với những người khác, tôi cũng nhận được những câu trả lời tương tự,” giáo sư-tiến sỹ Trần Lâm Biền kể lại.

Lắc đầu ngậm ngùi, giáo sư Trần Lâm Biền bày tỏ: “Họ vái lạy nhưng rồi lại không biết mình đã lạy ai! Họ đến thăm viếng di tích nhưng lại không hiểu gì về nơi mình đến! Đây là vấn đề mà những người làm văn hóa phải quan tâm.”

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia) cũng cho hay: “Hiện nay, chúng ta đang thiếu cả ý thức và tri thức về di sản. Nói khác đi, tâm thế và sự hiểu biết của đại bộ phận người dân khi đến với di sản đều thiếu hụt. Khi đã thiếu cả hai yếu tố này thì việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản sẽ khó có thể thực hiện một cách bài bản, tử tế.”

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Thịnh cho rằng, việc người dân nhiệt tình đến với các di tích, chủ động tham gia vào công tác gìn giữ các tài sản mà cha ông để lại là một điều đáng trân trọng và cần được nhân rộng. 

Tuy nhiên, bản thân người dân lại không có những hiểu biết chuyên môn sâu về lĩnh vực này. “Bởi thế, các nhà chuyên môn, những người làm công tác quản lý phải có những tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể để định hướng cách thức thực hiện đúng đắn cho người dân. Vấn đề trùng tu di tích, phát huy giá trị di sản là một khoa học, không thể thực hiện một cách tùy tiện.” giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, thực tế, khi người dân thấy di tích bị hư hỏng, xuống cấp mà các cơ quan chuyên môn, quản lý chưa vào cuộc thì họ sẽ chủ động sửa chữa. Thế nhưng, việc tu bổ di tích đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực: Lịch sử, văn hóa, địa lý, kiến trúc… 

“Khi không đảm bảo được những yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật đó thì những việc làm tự phát kia lại vô tình trở thành sự phá hoại di sản một cách nhiệt tình!” giáo sư Ngô Đức Thịnh chia sẻ.

Quản lý di tích: Nhìn nhận lại để tìm hướng đi phù hợp ảnh 1 Ngôi nhà trên 200 tuổi ở làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam/TTXVN) 

Hậu quả, “các di tích được tu bổ theo hình thức này bị biến dạng tới khoảng 70% so với ban đầu,” giáo sư-tiến sỹ Trần Lâm Biền cho hay.

“Chính quyền chậm chạp, mâu thuẫn nảy sinh”

Từ thực tế đó, thời gian qua, nhiều ý kiến đưa ra, bày tỏ quan ngại về việc có tồn tại mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển các giá trị của di tích, di sản văn hóa hay không?

Bàn về vấn đề này, giáo sư Ngô Đức Thịnh khẳng định, về nguyên tắc, bảo tồn và phát triển không hề mâu thuẫn với nhau. 

“Nếu mâu thuẫn nảy sinh thì đó là do cách thức triển khai cụ thể có những sai sót, vi phạm những nguyên tắc của việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa,” vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo ông, việc người dân làng cổ Đường Lâm xin trả lại danh hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Ông chỉ rõ: “Việc quản lý, phát huy giá trị di tích ở Đường Lâm đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất, không đảm bảo được điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân; thứ hai, vấn đề phân chia lợi nhuận từ việc phát triển du lịch không thỏa đáng.”

Lý giải kỹ hơn về vấn đề này, giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, làng cổ Đường Lâm là một di tích “sống” với khoảng 1.500 hộ dân đang sinh sống. “Bởi vậy, muốn những người dân ở đây gìn giữ di tích thì trước hết, họ cũng phải được đảm bảo quyền lợi với không gian sinh hoạt, điều kiện vật chất hợp lý. Nói cách khác, đó là một trong những cơ sở đầu tiên động viên người dân tham gia vào công tác gìn giữ, bảo tồn di sản,” nhà nghiên cứu này bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, làng cổ Đường Lâm được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 2005 nhưng mãi đến tháng 6/2013, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm mới được hoàn thành phê duyệt. 

Như vậy, “trong suốt gần 10 năm, những hộ dân có nhà cổ ở Đường Lâm được hưởng lợi từ khoản kinh phí hỗ trợ hàng tháng và dịch vụ du lịch. Còn những gia đình không có nhà cổ trong diện được hỗ trợ bảo tồn vẫn phải sống trong tình cảnh không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Trong khi đó, tại các gia đình đó, số nhân khẩu vẫn tăng lên với đầy đủ những nhu cầu của cuộc sống thường nhật về ăn, mặc, ở… Theo đó, mâu thuẫn nảy sinh là hệ quả tất yếu,” ông Thịnh phân tích.

“Sự vào cuộc chậm trễ của các cấp chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề nhằm đảm bảo đời sống nhân dân đã làm cho mâu thuẫn nảy sinh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích lịch sử quốc gia này,” giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, cũng cho rằng: Để những mâu thuẫn không tiếp tục nảy sinh, những nhà quản lý văn hóa cần “giải bài toán” về yêu cầu hài hòa lợi ích dân sinh và bảo tồn di tích trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa./.

Bài 2: "Không thể bảo tồn di sản mà quên đi lợi ích dân sinh"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục