Quản lý game online: Còn bất đồng ý kiến

Tại Hội thảo ngày 13/5, Dự thảo Quy chế quản lý game online được các nhà quản lý đồng tình còn doanh nghiệp lại phản ứng gay gắt.
Ngày 13/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo xây dựng Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến. Đây là văn bản được đánh giá là kịp thời trong việc gắn phát triển game online với việc quản lý, nhằm ngăn ngừa những hệ lụy không mong muốn từ game online tới xã hội. Sau khi "mổ xẻ" Dự thảo Quy chế, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Trong khi các nhà quản lý hết sức đồng tình thì phía doanh nghiệp sản xuất và phát hành game online đã phản ứng khá gay gắt. "Giới nghiêm" sau 22 giờ Theo Dự thảo Quy chế, đối với những trò chơi đơn giản (có nội dung kịch bản đơn giản, giới hạn số lượng người chơi tham gia đồng thời…), không hạn chế đối tượng thì doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ/ngày. Với đa số những trò chơi còn lại, doanh nghiệp cung cấp trò chơi chỉ được cho người chơi từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Các đại lý internet không được phép để người chơi mặc đồng phục học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 chơi game online từ 8 giờ đến 17 giờ... Ngay lập tức, các ý kiến từ phía doanh nghiệp đưa ra cho rằng, bản Dự thảo Quy chế trên là bất hợp lý, gây bất lợi cho họ. Ông Nguyễn Lâm Thanh (Công ty VTC) cho rằng việc kiểm soát giờ chơi mà bản Dự thảo Quy chế đưa ra chưa hợp lý. Giả dụ, với những game thủ đi làm ca kíp thì sẽ không thể chơi game online – khi mà cấm doanh nghiệp phát hành game từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Đồng tình, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VinaGame cho rằng quy định về thời gian là để hạn chế trẻ em vị thành niên. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian này, các em đã phải về nhà và chịu sự quản lý của gia đình. Các game thủ chơi đêm đa phần là những người trưởng thành. Từ đó, ông Minh cho rằng, nếu một sản phẩm game online đã được cấp phép lưu hành, lại bị bó buộc bởi quy định thời gian thì không khác nào áp dụng quy định giờ hành chính cho game. Ông Hoàng Trọng Hiếu (Công ty Intercom) thì nói, việc quản chặt doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp game online nước ngoài. Các game thủ nếu bị các nhà cung cấp game trong nước hạn chế giờ chơi sẽ chuyển qua game được cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến giảm nguồn thu của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, vấn đề phân loại trò chơi trực tuyến theo hai loại đơn giản và bình thường cũng được các doanh nghiệp “mổ xẻ.” Họ cho rằng đây là khái niệm mơ hồ và thiếu rõ ràng vì rất khó để xác định hoặc phân loại được trò chơi nào thuộc thể loại đơn giản hay bình thường. Do vậy, doanh nghiệp đề nghị nên phân loại game theo các tiêu chí rõ ràng, xây dựng các khái niệm liên quan đến game online theo các tiền lệ quốc tế. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, doanh nghiệp nước ngoài nếu cung cấp game online qua biên giới vào Việt Nam  cũng sẽ phải chịu những quy định trên. Về phân loại trò chơi trực tuyến, ông Hải cho biết đây là vấn đề phức tạp, không có tiêu chí rõ ràng mà cần hội đồng tư vấn thẩm định game do Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập phân định. Xử phạt chưa đủ sức răn đe Trong khi doanh nghiệp “giãy nảy” bởi dự thảo Quy chế, thì phía các nhà quản lý lại hết sức đồng tình. Đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng buồn bã kể, sau khi rà soát từng ngõ ngách của game online ở địa phương, ông cho rằng đã đến lúc phải “quản lý thực sự” để giảm bớt hiện tượng bỏ học, trốn học chơi game. “Khi kiểm tra gần 1.000 điểm truy cập internet, chúng tôi thấy rất nhiều cháu học sinh còn rất nhỏ vào chơi game online mải miết. Trong khi đó, chủ của các điểm internet này hầu hết không biết tới các quy định của pháp luật về quản lý game online” vị đại diện này nói. Do đó, ông tin tưởng với những điểm mới trong Dự thảo Quy chế sẽ giúp giảm những tác hại không mong muốn của game online tới xã hội. Tiến sĩ Trần Vĩnh Sa (Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách quản lý game online nên áp dụng như đối với… thuốc lá, thậm chí là ma túy. Bởi thực tế, game online đã ảnh hưởng tới con người ở nhiều nhiều góc độ, đặc biệt là tâm sinh lý, gia đình và xã hội. “Chúng ta cần thẩm định lại game online đã phát hành, từ đó loại bỏ những game bạo lực, khiêu dâm để làm lành mạnh thế giới ảo. Ngoài ra, phải tiến tới cấm nhập khẩu game ngoại, ưu tiên dùng game được sản xuất trong nước” ông Sa thẳng thắn. Đồng tình với nhiều điểm trong Dự thảo Quy chế như quy định hạn chế giờ chơi, song ông Sa cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép địa phương đình chỉ cung cấp game online đang phát hành trên địa bàn khi thấy game đó có nội dung không lành mạnh. Về mức phạt hiện nay đối với các game vi phạm, ông Sa cho rằng còn quá nhẹ và không đủ sức răn đe. Từ đó, ông đề nghị cơ quan chức năng bổ sung những hình nghiêm khắc để các doanh nghiệp không dám lách luật, cung cấp những game có nội dung có chiều hướng xấu cho xã hội. Được biết, Quy chế về quản lý trò chơi trực tuyến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng Sáu tới./.
Cũng theo dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến, thời gian chơi tổng cộng của một game thủ trong một ngày không vượt quá 3 tiếng với trò chơi không ưu tiên và 5 tiếng với trò chơi ưu tiên (game mang tính văn hoá, giáo dục).

Đối với vật phẩm ảo, cho phép doanh nghiệp khởi tạo và game thủ được trao đổi bên trong trò chơi nhưng không được quy đổi ra tiền mặt. Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, cung cấp game online có vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, cung cấp game online vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nội dung thông tin trên game online hay có hành vi lừa đảo, kinh doanh trái phép… sẽ bị thu hồi giấy phép phát hành game online.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục