Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kêu gọi các địa phương hợp tác khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, góp phần phát triển bền vững.
Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ các hoạt động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22/3, sáng 20/3, tại thành phố Bắc Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ míttinh hưởng ứng ngày Nước Thế giới năm nay.

Dự lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải; bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; đại diện các Bộ gồm Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Xây dựng; Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội; các ban, ngành Trung ương, địa phương; các tổ chức quốc tế và hơn 3.000 người dân tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định nước cần được nhìn nhận không chỉ ở khía cạnh là một nguồn tài nguyên quý giá, mà còn là chìa khóa để bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Tài nguyên nước là nền tảng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Nước không chỉ tác động đến an ninh lương thực, năng lượng, sức khỏe con người và môi trường, nước còn góp phần cải thiện phúc lợi, phát triển toàn diện, cũng như tác động đến sinh kế của hàng tỷ người.

Theo số liệu điều tra, Việt Nam có trên 3.400 sông, suối tương đối lớn với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng gần 2/3 từ nước ngoài chảy vào. Lượng nước nội sinh chỉ chiếm gần 1/3, nếu chỉ tính lượng nước này thì bình quân đầu người đạt khoảng 3.500 m3/năm.

Mặt khác, dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70%-80% tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng nhưng chỉ có khoảng 20%- 30% tổng lượng nước.

Do đó, về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác và tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả chưa được cải thiện.

Vì vậy hơn lúc nào hết, cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò, giá trị của nước trong mối quan hệ với phát triển bền vững, từ đó xây dựng chính sách hợp tác giữa các ngành có liên quan, nhằm đảm bảo nhu cầu về sức khỏe con người và hệ sinh thái, an ninh lương thực và năng lượng, phát triển công nghiệp và đô thị, các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội và bình đẳng giới cũng như phát triển bền vững tài nguyên nước.

Trong nhiều năm qua, việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước đã trở thành một ưu tiên của mỗi quốc gia. Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng, như phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phương pháp quản lý nước theo lưu vực sông, cách tiếp cận theo hệ thống: nước - năng lượng - lương thực, tiếp cận tăng trưởng xanh...

Thông qua sự kiện này, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: “Nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà là một trong những nguồn tài nguyên chiến lược, nên cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả, phát huy những mặt lợi, hạn chế những tác hại của nước.”

Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân hãy tiếp tục phát huy các sáng kiến nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, cùng hợp tác để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, giảm thiểu các tác hại của nước, rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ “đảm bảo bền vững về môi trường.”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết với chủ đề "Nước là cốt lõi của phát triển bền vững", Ngày Nước thế giới năm 2015 hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước.

Theo dự đoán đến năm 2025, có khoảng 2/3 dân số trên toàn cầu sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Chính vì vậy, yêu cầu phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, hơn bao giờ hết đòi hỏi phải mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu. Trong đó, tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi phát triển bền vững.

Trước những thách thức đang diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, người dân cần nhận thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp bách phải bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm hiệu quả, bền vững các nguồn nước, hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo sử dụng nước bền vững cho cộng đồng. Để làm được điều đó, cần sử dụng tổng hợp hơn, hiệu quả hơn nguồn nước trong mọi ngành, lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước hãy có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững hơn; cùng chung tay để trả lại sự trong lành vốn có của các dòng sông không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục