Quản lý tài nguyên nước bền vững trên sông Mekong

Để thực hiện tốt chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong, các chuyên gia cho rằng cần tập trung quản lý tài nguyên nước bền vững.
 
Sáng 9/8, tại Hòa Bình, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch chỉ đạo quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong.

Thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã được Hội đồng Ủy hội sông Mekong phê chuẩn vào tháng 1/2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo đặt ra những vấn đề cần quan tâm bước đầu trong việc quản lý tài nguyên nước bền vững.

Sông Mekong dài gần 4.800km, diện tích lưu vực 795.000km2, tổng lượng dòng chảy năm là 475 tỷ m3 nước, là sông có mức đa dạng sinh học cao thứ hai trên thế giới sau Amazon.

Hiện tại, các nước trong lưu vực sử dụng khoảng 60 tỷ m3 nước, chiếm 12% tổng lượng chảy trong năm; diện tích canh tác có nước tưới vào mùa khô là 1,2 triệu ha trong khi tổng diện tích canh tác nông nghiệp toàn lưu vực là 15 triệu ha.

Tiềm năng thủy điện sông Mekong là 30.000 MW, trong đó khoảng 10% đã được phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng chảy hiện tại của sông gần với tự nhiên và chất lượng nước khá tốt. Tuy nhiên xu thế phát triển của các nước trong lưu vực sẽ phát triển mạnh thủy điện, tưới và nuôi trồng thủy sản gắn liền với những rủi ro, đòi hỏi phải có hệ thống pháp lý quốc gia và vùng có hiệu lực mạnh; có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để giảm thiểu rủi ro; trong đó cần hợp tác giữa các nước hạ du với Trung Quốc để giảm thiểu tác động tiêu cực và chia sẻ lợi ích.

Việt Nam quan tâm nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên gắn với Chiến lược IWRM của toàn lưu vực. Việt Nam sẽ mở rộng và củng cố các mạng giám sát, mạng đo đạc số liệu thủy văn và chất lượng nước, các hệ sinh thái.

Hội thảo đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, của các bên hữu quan, các nhà đầu tư và các tổ chức xã hội trong việc tham gia xây dựng chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong dài hạn 50 năm tới (2060); chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và áp lực gia tăng từ các kế hoạch phát triển thượng lưu, sử dụng đất ở đồng bằng châu thổ. Trước mắt, sẽ lập các nhóm công tác làm việc theo quy chế và kế hoạch do Ủy ban sông Mekong Việt Nam quy định./.

Nhan Sinh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục