Quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Chính phủ ban hành Nghị định quy định quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Nghị định gồm 3 chương, 19 Điều quy định rõ chế độ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (viết gọn là tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu); trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan và người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Theo đó, tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải bảo đảm giữ được giá trị, chất lượng, tiêu chuẩn. Việc tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện khi có quyết định của người có thẩm quyền.

Nghị định nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu và các hành vi trục lợi khác; vi phạm niêm phong, mang tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu ra khỏi nơi tạm giữ, bảo quản trái phép; Làm mất, thiếu hụt, hủy hoại, cố ý hư hỏng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Cũng theo Nghị định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu được quyền: khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu kiểm tra trước khi nhận lại tang vật, phương tiện khi hết thời hạn bị tạm giữ; yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý tang vật, phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đồng thời nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo đúng thời hạn ghi trong quyết định tạm giữ và nộp phí theo quy định.

Nghị định cũng nêu rõ về việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; trình tự, thủ tục khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; việc xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ...

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2013./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục