Quan ngại về sức ép lạm phát khi các nền kinh tế lớn phục hồi

Các biện pháp kích thích chưa từng có cùng với việc triển khai chương trình tiêm vaccine tại các nền kinh tế phát triển đã thúc đẩy triển vọng phục hồi nhu cầu, điều khiến giá hàng hóa tăng cao hơn.
Quan ngại về sức ép lạm phát khi các nền kinh tế lớn phục hồi ảnh 1Container hàng hóa được xếp tại cảng Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà máy trên khắp thế giới đang đứng trước những khó khăn, từ việc giá hàng hóa tăng vọt, chi phí vận tải tăng và sự thiếu hụt chip, từ đó gây quan ngại rằng sức ép lạm phát toàn cầu sẽ hiện hữu khi các nền kinh tế lớn phục hồi sau các đợt phong tỏa để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Vào ngày 6/5, chỉ số của Cơ quan nghiên cứu hàng hóa có trụ sở tại New York, Mỹ, đo lường xu hướng giá cả của nhiều loại hàng hóa tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, tăng 55% so với tháng 3/2020. Trong khi đó, chỉ số giá lương thực toàn cầu do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc công bố tăng tháng thứ 10 liên tiếp, lên mức kỷ lục trong tháng Ba.

Các biện pháp kích thích chưa từng có cùng với việc triển khai các chương trình tiêm vaccine tại các nền kinh tế phát triển đã thúc đẩy triển vọng phục hồi nhu cầu, điều sẽ khiến giá hàng hóa còn tăng cao hơn.

Trước việc chi phí tăng, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng của Mỹ là Coca-Cola và Procter & Gamble gần đây đã thông báo kế hoạch tăng giá một số sản phẩm tại thị trường trong nước, gây lo ngại các sức ép phía nguồn cung đang chuyển sang phía nhu cầu.

Sự tăng mạnh giá nguyên liệu thô đang gây lo ngại về lạm phát. Mối quan tâm chính đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích thị trường là liệu giá tăng là tạm thời hay kéo dài.

Tại Trung Quốc, giá xuất xưởng tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây. Chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI), đo lường biến động giá hàng hóa của các nhà chế tạo và các công ty khai khoáng, tăng 4,4% trong tháng Ba, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2018. Xu hướng này mạnh lên trong tháng Tư, khi giá đồng, thép và kính đều tăng mạnh.

Các nhà phân tích gần như nhất trí rằng giá của nhà sản xuất sẽ tiếp tục tăng trong quý 2, nhưng có nhiều ý kiến về việc liệu điều này có ảnh hưởng tới phía người tiêu dùng hay không. Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc, chỉ số chính về giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng 0,4% trong tháng Ba, tháng tăng đầu tiên trong năm nay, nhưng còn rất thấp để phải lên tiếng cảnh báo.

[IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức cao kỷ lục]

Nhà phân tích Xu Wei tại Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng nhà nước cho rằng câu trả lời cho vấn đề trên sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc PPI sẽ tăng ở mức độ nào và trong bao lâu.

Trong khi đó, công ty quản lý tài sản BlackRock nhận định con đường phục hồi của kinh tế toàn cầu sau cú sốc COVID-19 sẽ khác với các cuộc khủng hoảng trước đây do nhu cầu bị dồn nén và các động lực lạm phát khác.

Theo nhà kinh tế trưởng Li Xunlei của Zhongtai Securities, sức ép giá cả đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế tại Trung Quốc một cách không đồng đều.

Trong khi giá vật liệu sản xuất tăng mạnh, giá hàng tiêu dùng nhìn chung vẫn ổn định. Trong khi đó, giá hàng tiêu dùng giá cao tăng nhanh hơn hàng giá thấp và chênh lệch giá cả giữa các khu vực đang gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục