Quân và dân chung tay vì Trường Sa thân yêu

Quân và dân chung tay đoàn kết vì Trường Sa thân yêu

Diện mạo của quần đảo Trường Sa nói chung và mỗi đảo nói riêng đã được đổi thay, mang lại lợi ích thiết thực cho quân dân trên đảo.
Quân và dân chung tay đoàn kết vì Trường Sa thân yêu ảnh 1Đảo Đá Lớn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đi cùng đoàn công tác tham gia “Chương trình đến với Trường Sa thân yêu năm 2014” vào những ngày đầu hè, chúng tôi cảm nhận rõ dù chưa sung túc đầy đủ nhưng diện mạo của quần đảo Trường Sa nói chung và mỗi đảo nói riêng đã được đổi thay, mang lại lợi ích thiết thực cho quân dân đang làm việc và sinh sống trên đảo.

Chung tay vì Trường Sa thân yêu

Thực hiện tốt Dự án “Xây dựng và phát triển kinh tế về biển, đảo ở quần đảo Trường Sa,” Hải quân nhân dân Việt Nam đã tích cực triển khai, đưa vào sử dụng các công trình dân sinh góp phần nâng cao đời sống cho quân dân trên các đảo.

Theo chia sẻ của các chiến sỹ trên các đảo, trước đây nguồn nước ngọt rất khan hiếm, chủ yếu khai thác từ nước mưa còn bây giờ, ở hầu hết các đảo đều có hệ thống bể chứa nước ngọt, đảm bảo 100% điều kiện sinh hoạt cho quân dân.

Mặt khác, các đảo đã được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố với nhà lâu bền, nhà văn hóa đa năng nên đời sống vật chất và tinh thần của chiến sỹ được cải thiện đáng kể.

Trung úy Nguyễn Toàn Thắng, Chính trị viên đảo Đá Lớn B cho biết mạng lưới thông tin liên lạc giữa đảo và đất liền ngày nay, được cải thiện tốt hơn; trong đó, hệ thống nghe nhìn, truyền hình bắt được tín hiệu các kênh của đài truyền hình Việt Nam và một số tỉnh, thành gần đảo đã góp phần phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ.

Đặc biệt mạng lưới sóng điện thoại trong điều kiện thời tiết ổn định đảm bảo 100% về hỗ trợ tốt thông tin liên lạc giữa đảo với đất liền. Đài tiếng nói Việt Nam đầu tư, xây dựng Trạm FM có thể nghe được những chương trình phát sóng trên VOV1 đã trở thành phương tiện tuyên truyền hiệu quả giúp cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và ngư dân nâng cao nhận thức về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Một trong những công trình không thể không kể đến, đó là dự án chiếu sáng và cung cấp năng lượng sạch gồm hệ thống máy phát điện chạy bằng sức gió, hệ thống pin năng lượng mặt trời… đã góp phần khoác lên tấm áo mới và hiện đại cho quần đảo Trường Sa.

Đối với ngư dân bám biển, Trạm dịch vụ nhiên liệu tại âu tàu, đảo Sông Tử Tây đã là địa chỉ quen thuộc và thân thiết trên những hải trình mưu sinh. Khi đến với âu tàu, ngư dân được cung ứng nhiên liệu theo giá quy định Nhà nước như trong đất liền; cung ứng lương thực, thực phẩm; dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào bờ, dịch vụ điện thoại. Đặc biệt còn cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí như nước ngọt, chăm sóc y tế, sửa chữa tàu thuyền…

Đảo Đá Tây A là đảo đầu tiên được chọn để triển khai dự án xây nhà cộng đồng trong Chương trình góp đá xây Trường Sa giai đoạn 1 do báo Tuổi Trẻ tổ chức được bạn đọc cả nước quyên góp ủng hộ với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Công trình được khánh thành vào tháng 5/2012. Hiện nhà cộng đồng của đảo Đá Tây A đã trở thành địa chỉ đỏ cho ngư dân nghỉ ngơi, chăm sóc y tế.

Thượng tá Trần Như Hải, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết chia sẻ với tinh thần tất cả vì Trường Sa thân yêu, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã quyên góp 60 tỷ đồng xây dựng Trung tâm văn hóa trên đảo Nam Yết. Nhờ vào thiết kế hiện đại và đa năng, Trung tâm đã trở thành nơi giáo dục truyền thống, bản lĩnh chính trị; giao lưu, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao… cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

Ngoài ra, tại đảo Nam Yết, những con đường thanh niên thoáng mát, vườn rau thanh niên xanh ngắt, sân bóng chuyền… không chỉ góp phần tạo nên nét đẹp về cảnh quang, môi trường xanh sạch, mà còn gợi nên phong tục, tập quán và lối sống của người Việt.

Hiện ở tất cả các đảo đều có hệ thống tủ với hàng nghìn đầu sách, hàng chục đầu báo và được đánh giá là nguồn tư liệu quý giá hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ học tập, nghiên cứu, giải trí cũng như tiếp cận những thông tin thời sự trong và ngoài nước.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tạo, Chính trị viên Cụm chiến đấu 1, đảo Sinh Tồn cho biết tủ sách đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đảo nên việc tăng cường ngày càng nhiều đầu sách và đa dạng các đầu báo mới là rất cần thiết. Cụ thể là những tác phẩm chính trị, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử; chăn nuôi, trồng trọt…

Vừa qua, hai điểm bưu điện-văn hóa xã cũng đã được khánh thành đưa vào sử dụng tại thị trấn Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn.

Thắt chặt đoàn kết quân dân

Do vị trí địa lý xa đất liền nên điều kiện đảm bảo sinh hoạt và công tác đòi hỏi phải vượt qua nhiều thách thức như thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là vấn đề đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sỹ.

Nhưng với tinh thần đoàn kết, tự cường, các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa không chỉ nỗ lực giữ vững và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc mà còn xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ với nhân dân cũng như ngư dân.

Theo Trung tá Nguyễn Đăng Vinh, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông, có lẽ những ai xa quê hương mới thấm tình dân tộc, do đó việc đẩy mạnh các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần là một trong những nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân dân trên đảo.

Năm 2013, Quỹ đền ơn đáp nghĩa của đảo Trường Sa Đông đạt giá trị hơn 50 triệu đồng; quyên góp và viếng thân nhân cán bộ, chiến sỹ, người dân trong thời gian công tác tại đảo hơn 20 triệu đồng.

Đối với ngư dân, Ban chỉ huy đảo đã xác nhận cho hơn 200 tàu thuyền đánh bắt cá thuộc khu vực quản lý, thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đánh bắt hải hải, đồng thời tổ chức tiếp tế lương thực, nước ngọt, cứu nạn, cứu hộ.

Riêng năm 2013, thị trấn Trường Sa đã ủng hộ ngư dân bị nạn gần 29 triệu đồng tiền mặt, 45 bộ quần áo và hơn 3,5 triệu đồng nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, còn cứu nạn và chăm sóc ngư dân dài ngày trên đảo gần 77 triệu đồng.

Còn đảo Nam Yết đã giúp đỡ, nhường lương thực, chia nước ngọt cho khoảng 810 tàu tuyền ngư dân các địa phương Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… để lại tình cảm tốt đẹp và mang lại niềm tin bám biển, bảo vệ đảo cho nhân dân.

Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa cho biết xây dựng gia đình văn hóa và khu phố văn hóa là mục tiêu mà quân dân đảo Trường Sa Lớn hướng đến trong những năm tới. Bên cạnh việc làm tốt công tác, chính sách đền ơn đáp nghĩa, tham gia nhắn tin chương trình tri ân liệt sỹ, tấm lưới ngư dân, trái tim cho em…

Ban chỉ huy đảo còn thường xuyên chăm lo, giúp đỡ gia đình cán bộ, công chức, nhân dân an tâm sinh sống trên đảo. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh, khuyến khích các cháu học sinh chăm ngoan học giỏi, động viên chị em phụ nữ thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình…

Với mục tiêu này, quần đảo Trường Sa sẽ phát triển toàn diện như những địa phương khác của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục