Quảng bá võ cổ truyền

Quảng bá võ cổ truyền ra nước ngoài bằng du lịch

Hà Nội là nơi quy tụ rất nhiều võ đường với nhiều môn phái, môn sinh, sẽ thu hút đông đảo du khách quốc tế nếu biết tận dụng lợi thế.

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, lần đầu tiên, những nhà làm du lịch Hà Nội đã “để mắt” tới một loại hình văn hóa đặc biệt, đó là quảng bá tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Loại hình du lịch giàu tiềm năng

Dưới con mắt của người làm du lịch, ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nộị khẳng định: “Hà Nội có hai thế mạnh để hấp dẫn khách quốc tế đó là du lịch và võ thuật”.

Hà Nội là nơi quy tụ rất nhiều võ đường với nhiều môn phái, môn sinh, sẽ thu hút đông đảo du khách quốc tế nếu biết tận dụng lợi thế để khai thác truyền thống văn hóa, tinh thần thượng võ vốn có của dân tộc.

Theo chân những người làm du lịch, chúng tôi làm một chuyến du hành quanh Hà Nội, “mục sở thị” các võ đường Y võ Thiên Phúc (Tây Hồ) với môn phái Thiếu lâm Vĩnh Xuân, võ đường trong khuôn viên đền thờ Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) với môn phái Võ Lâm Phật Gia, võ đường Khắc Trịnh (quận Thanh Xuân) với môn phái Nam Hồng Sơn.

Xa hơn là các huyện thị ngoại thành, có Trường phổ thông võ thuật Bảo Long (Thị xã Sơn Tây) với nhiều môn phái, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) - cái nôi của môn phái Vovinam, Bách Linh từ (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) với môn phái Thiên môn đạo.

Mỗi môn phái có những cách biểu diễn khác nhau nhưng đều bắt nguồn từ tinh thần dân tộc Việt, mà ở đó ngoài tính thượng võ còn có tính văn hóa, nhân ái, nghệ thuật, y học… Ngay cả môn phái Vĩnh Xuân có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi vào Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam, mang cốt cách, trí tuệ Việt Nam và đến ngày nay không còn giống như cái gốc của nó, mà đã gần như trở thành môn võ của Việt Nam.

Du khách tìm hiểu về võ cổ truyền Việt Nam có nghĩa là tìm hiểu về văn hóa, truyền thống, lịch sử của Việt Nam và loại hình này rất có khả năng kích thích nhu cầu khám phá của khách du lịch nước ngoài.

Chính từ thực tế đó, võ sư Khắc Trịnh mong muốn: “Võ thuật là tinh hoa văn hóa, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nên sự phối kết hợp giữa du lịch và võ thuật truyền thống là cần thiết để quảng bá tinh hoa văn hóa Việt, quảng bá đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới”.

Đưa võ cổ truyền vào phát triển du lịch

Không phải bây giờ mà nhiều năm qua, khách nước ngoài đến từ nhiều nước đã rất quan tâm đến võ cổ truyền Việt Nam, đến các võ đường tại Hà Nội để tìm hiểu, thậm chí tham gia làm môn sinh. Tuy công tác quảng bá của các võ đường còn hạn chế nhưng bằng chính tôn chỉ phát triển, tinh thần trọng yếu của môn phái nên uy tín của các võ đường được lan truyền rộng rãi.

Ông Nguyễn Khắc Chương, võ sư cao cấp của tổ chức UNESCO, giám đốc Công ty Y võ Thiên Phúc kể: “Môn phái của Y võ Thiên Phúc được người nước ngoài biết tới nhiều hơn là người Việt Nam. Riêng bài Viên Bình Công của võ phái đã được tập huấn cho khách của 13 nước trên thế giới. Hiện nay, một tổ chức tại Pháp mời công ty đưa võ sinh sang giao lưu 2 tháng nhưng vì bất cập về thời gian nên kế hoạch không thực hiện được. Nhìn chung, người nước ngoài rất thích tìm hiểu về võ cổ truyền của Việt Nam ”.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội Mai Tiến Dũng thừa nhận Hà Nội chưa kết hợp được hai thế mạnh võ thuật và du lịch trong thời gian vừa qua. Vì vậy, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Năm Du lịch Quốc gia 2010 tại Hà Nội, hai thế mạnh này sẽ được gắn kết để tạo ra sản phẩm du lịch mới.

Thông qua đó, du lịch Hà Nội sẽ quảng bá võ cổ truyền Việt Nam đến đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Với vai trò “bà mối”, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ khơi dậy những tiềm năng của võ cổ truyền, đồng thời hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch mới như một phần điểm đến của Hà Nội.

"Và để phục vụ khách một cách có hiệu quả, các võ đường cũng cần xây dựng kịch bản trình diễn, có phần giới thiệu về võ phái, tinh thần trọng yếu của võ phái, giới thiệu về võ đường", ông Dũng nhấn mạnh.

Các công ty lữ hành Hà Nội cũng cho rằng khi du lịch và võ thuật “bắt tay” cùng nhau có nghĩa là cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và võ đường đều phải hoàn thiện rất nhiều bài toán để du lịch võ thuật trở thành một sản phẩm độc đáo.

Giải quyết các bất cập hiện có không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, nhưng rõ ràng là những người làm du lịch Hà Nội đang rất nỗ lực để có một sản phẩm mới chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long./.

 
(Đinh Thị Thuận/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục