Quảng Bình: Khởi công phục dựng Di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc

Công trình phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc có tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 35 tỷ đồng.
Quảng Bình: Khởi công phục dựng Di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc ảnh 1Lễ cúng đất, đặt đá khởi công công trình phục dựng, tôn tạo Chùa Hoằng Phúc. (Ảnh: Nguyễn Đức Thọ/Vietnam+)

Ngày 30/11, tại xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ khởi công phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc.

Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, tục danh chùa Trạm, hay chùa thuộc phường Thuận Trạch, nay là xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Chùa Hoằng Phúc là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình. Tính đến nay, Chùa Hoằng Phúc có chiều dài lịch sử trên 700 năm.

Chùa tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km về phía Nam.

Chùa Hoằng Phúc vốn bắt nguồn từ Am Tri Kiến. Theo sử cũ chép lại, tháng 3/1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du Chiêm Thành có ghé qua Am Tri Kiến, thuộc châu Lâm Bình.

Vào năm Kỷ Dậu thứ 52 (1609), vua Thái tổ Hoằng đế, tức chúa Nguyễn Hoàng cho dựng chùa trên nền cũ và đặt tên là chùa Kính Thiên.

Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho sửa lại chùa và ngự đề một hoành biểu có tên là “Kính Thiên Tự.” Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là “Hoằng Phúc Tự,” có nghĩa là phúc lớn. Nhân dân địa phương thường gọi là Chùa Quan.

Tính từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé vào Am Tri Kiến đến nay, chùa Hoằng Phúc đã có chiều dài lịch sử trên 700 năm. Nơi đây không những là nơi thờ tự đức Phật, hoằng dương phật pháp mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của quê hương qua các thời kỳ.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa bị tàn phá nghiêm trọng. Đến nay, Chùa còn lưu giữ lại một số hiện vật như tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo, đặc biệt, vẫn còn đại hồng chung cao 1,15m, đường kính thân chuông 0,57m, chu vi 1,45m được đúc vào thời vua Minh Mạng và cổng Tam Quan, nền nhà Chính điện.

Chính từ những giá trị lịch sử và văn hóa này, ngày 1/6/2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-UBND xếp hạng Chùa Hoằng Phúc là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Công trình phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc có tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 35 tỷ đồng.

Công trình được quy hoạch với toàn bộ khuôn viên di tích theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc chùa Việt truyền thống, gồm Tam quan ngoại; Tam quan nội; Tháp phật; Tam bảo chùa; nhà thờ tổ; tả hữu hành lang; am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác... Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 3/2016.

Khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng, tôn tạo sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng.

Chùa Hoằng Phúc không chỉ phục vụ cho nhu cầu tính ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ phật của du khách thập phương, góp phần phát triển ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình.

Tại lễ khởi công, các đơn vị, các nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ Cúng Dường hơn 20 tỷ đồng để tôn tạo, phục dựng chùa Hoằng Phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục