Quảng cáo qua điện thoại di động đang tăng mạnh

Ngày càng có nhiều nhà quảng cáo tiếp cận người tiêu dùng qua điện thoại di động và hình thức này rất phát triển tại châu Á-TBD.
Mạng quảng cáo di động quốc tế InMobi vừa công bố báo cáo cho thấy ngày càng có nhiều nhà quảng cáo tiếp cận người tiêu dùng qua điện thoại di động và tốc độ gia tăng của hình thức quảng cáo này tại châu Á-Thái Bình Dương đã vượt mức trung bình của cả thế giới.

Trong tháng 3/2011, quảng cáo trên điện thoại di động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt giá trị "ấn tượng" 17,6 tỷ USD, tăng 26% so với trước đó 4 tháng, trong khi tỷ lệ tăng này là 21% cùng thời gian trên quy mô toàn cầu.

InMobi, hãng chuyên môi giới giữa các nhà quảng cáo và người sử dụng điện thoại di động, còn cho biết thêm thị trường quảng cáo di động ở châu Á-Thái Bình Dương hiện được tiếp sức chủ yếu là nhờ quảng cáo qua điện thoại thông minh (smartphone) đang gia tăng và đã chiếm tới 22% các hình thức quảng cáo qua điện thoại di động trong khu vực.

Nhờ có smartphone, người tiêu dùng thường xuyên bắt gặp các quảng cáo tương tác khi họ "lướt" web hay chơi game online trên thiết bị cầm tay công nghệ cao này. Ví dụ như người sử dụng smartphone có thể xem các mẫu xe khác nhau được quảng cáo, hay thậm chí "gặp gỡ" các nhân vật trong phim "Cướp biển vùng Caribe" (phần 4) chỉ cần chạm nhẹ vào màn hình hay phím bấm.

Phó Chủ tịch phụ trách khu vực kiêm Giám đốc điều hành InMobi, Atul Satija, nói rằng xu hướng gia tăng nhanh chóng của sử dụng truyền thông di động tại châu Á đang tạo cơ hội lớn cho các hãng quảng cáo của mỗi nước, của khu vực và cả quốc tế.

Còn theo Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị và nghiên cứu của InMobi, James Lamberti, sự xuất hiện của hệ điều hành Android nhằm cạnh tranh iPhone của Apple cũng đang góp phần thúc đẩy việc sử dụng smartphone trong khu vực.

Một nghiên cứu do InMobi và Mobile Marketing Association cùng tiến hành mới đây cho thấy 80% những người "lướt" web qua điện thoại di động ở châu Á thường shopping trực tuyến để mua hàng trong khi di chuyển và chủ yếu họ mua phim, nhạc, trò chơi và quần áo./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục