Quảng Nam phát huy giá trị thiên nhiên, làng nghề

Doanh thu du lịch của Quảng Nam tăng gần 40%/năm nhờ phát huy được giá trị di sản thiên nhiên ban tặng và làng nghề truyền thống.
Trong những năm qua, du lịch tỉnh Quảng Nam đã có bước tăng trưởng khá trên cơ sở phát huy giá trị của hai di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An và khu di tích thánh địa Mỹ Sơn.

Từ năm 2000 đến nay, lượng khách du lịch đến Quảng Nam tăng bình quân hàng năm hơn 21%, doanh thu du lịch tăng bình quân gần 40%/năm.

Để đạt được kết quả trên, Quảng Nam đã phát huy được những giá trị di sản thiên nhiên ban tặng và làng nghề truyền thống để phát triển du lịch .

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.

- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong thời gian qua?

Ông Hồ Tấn Cường: Tỉnh Quảng Nam được xác định nằm trong vùng du lịch trọng điểm miền Trung, là địa phương được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng du lịch sinh thái phong phú, đa dạng như khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An), khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh (Nam Giang), khu du lịch Phú Ninh... và trên 125km bờ biển sạch, đẹp.

Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có lợi thế về hệ thống cơ sở lưu trú tương đối hoàn chỉnh với gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế và có hơn 160 dự án với tổng số vốn 17.000 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhiều khu du lịch và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư xây dựng.

Nếu như năm 2000, tỉnh Quảng Nam có 24 cơ sở lưu trú thì hiện nay đã có 102 cơ sở (không tính nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ) với gần 4.000 phòng, trong đó có gần 2.000 phòng từ 3-5 sao. Ngoài ra, các dự án có quy mô lớn của tỉnh đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả như khu nghỉ mát Nam Hải, Palm Garden, Goldden Sand, Hội An.

Chất lượng các dịch vụ đưa đón, phục vụ khách trong các cơ sở du lịch, điểm thăm quan không ngừng được nâng cao, ngày càng đáp ứng nhu cầu của du khách. Một số sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế và đèn lồng Hội An được hình thành và phát triển. Nhờ đó lượng khách đến với Quảng Nam không ngừng tăng lên.

Năm 2009, Quảng Nam đã đón 2,3 triệu lượt khách với doanh thu đạt 810 tỷ đồng; tăng gần 25% so với năm 2008. Từ đầu năm đến nay, đã có gần ba triệu lượt khách đến với Quảng Nam, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt doanh thu gần 1.100 tỷ đồng.

- Đạt được những thành công trên, tỉnh Quảng Nam đã có những biện pháp gì để phát huy những di sản thiên nhiên cho phát triển du lịch bền vững, thưa ông?

Ông Hồ Tấn Cường: Năm 2003, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương có di sản thế giới tại miền Trung và các doanh nghiệp lữ hành triển khai chương trình liên kết “Con đường di sản miền Trung” đạt hiệu quả tích cực. Tại Quảng Nam đã hình thành các tour, tuyến du lịch gắn với di sản và điểm đến du lịch thành phố miền Trung.

Tỉnh cũng liên kết với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các chương trình giới thiệu và quảng bá tại Thái Lan, và gần đây là xúc tiến du lịch giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch “Ba địa phương một điểm đến."

Năm 2007, Quảng Nam còn phối hợp với các nước có di sản văn hóa thế giới như ăngco (Siem Reap, Campuchia); Champasak, Luongphrabang (Lào) và các tỉnh Tây Nguyên, Thừa Thiên-Huế để tổ chức lễ hội hàng trình di sản với chủ đề “Hội ngộ văn hóa Đông Dương” nhằm thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vòng quay của sản phẩm du lịch có giới hạn, để tránh sự nhàm chán cho du khách, ngành du lịch Quảng Nam hướng tới phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển-rừng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm và thể thao giải trí gắn với văn hóa bản địa và làng nghề. Đặc biệt là phục hồi các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là giải pháp tối ưu để vừa bảo tồn giá trị truyền thống, cảnh quan môi trường vừa tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

- Không chỉ có tiềm năng về những di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh còn có lợi thế về làng nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm nổi tiếng. Vậy, để gắn việc phát triển làng nghề với bảo tồn di sản, tỉnh đã có những cách làm như thế nào?

Ông Hồ Tấn Cường: Tỉnh Quảng Nam đã thử nghiệm thành công vai trò tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch tại phố cổ Hội An, đồng thời gắn lợi ích trách nhiệm của người dân vào quá trình phát triển sản phẩm nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Cộng đồng dân cư vừa là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch, vừa là chủ thể của hoạt động du lịch như may mặc, làm đèn lồng, trồng rau và ẩm thực gắn với các chương trình ấn tượng đêm phố cổ, phố không động cơ.

Hoạt động này vừa nâng cao nhận thức và văn hóa ứng xử cho người dân ở Hội An, thu hút nguồn nhân lực cho du lịch vừa bảo tồn và tái hiện các lễ hội gắn với phục hồi làng nghề truyền thống.

Qua đó, một số chương trình du lịch làng nghề ở Quảng Nam đã được đưa vào khai thác có hiệu quả như một ngày làm cư dân phố cổ, một ngày là cư dân làng đèn lồng, đêm rằm phố cổ... hấp dẫn du khách đến thăm quan. Sản phẩm đèn lồng từ đó đã được du khách ưu chuộng và trở thành thương hiệu quảng bá du lịch Hội An.

Quảng Nam đang tập trung xây dựng chương trình du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên), rừng dừa Bảy Mẫu, Làng sinh thái-nhân văn Lộc Yên (huyện Tiên Phước), vườn trái cây Nam Bộ tại làng Đại Bình (huyện Nông Sơn), du lịch mạo hiểm gắn với làng văn hóa dân tộc Bhoong (huyện Đồng Giang), trong đó chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống đưa vào phục vụ khách du lịch./.

Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục