Quảng Nam tiếp tục phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975

Lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam và Khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đã diễn ra ngày 24/3.
Quảng Nam tiếp tục phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu tại buổi gặp mặt các lãnh đạo Quảng Nam, Quảng Đà qua các thời kỳ. (Ảnh: Nguyễn Sơn/ TTXVN)

Lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28/3/1930-28/3/2015), 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2015) và Khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đã diễn ra ngày 24/3.

Ngay sau khi ra đời (28/3/1930), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã lãnh đạo các phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh đi hết thắng lợi này đến thăng lợi khác, đó là cao trào cách mạng 1930-1931; cao trào 1936-1936 và đặc biệt là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và nhân dân Quảng Nam đã có nhiều cống hiến, hy sinh, nỗ lực vượt lên khó khăn để giải phóng quê hương. Trong hào khí thống nhất đất nước của cả nước, vào ngày 24/3/1975, Quảng Nam được giải phóng.

Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm, Quảng Nam có hơn 65.000 liệt sỹ và nhiều người con ưu tú ở mọi miền đất nước đã ngã xuống trên đất Quảng Nam, toàn tỉnh đến nay đã có hơn 11.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng chục ngàn người là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, giành được những thành tựu quan trọng. Điểm nổi bật trong thời kỳ này là Quảng Nam-Đà Nẵng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện khai hoang, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh...

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Quảng Nam-Đà Nẵng đứng trước những thời cơ, vận hội mới để phát triển, đồng thời không ít những khó khăn, thách thức. Năm 1997, với sự kiện lịch sử chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã mở ra thời kỳ phát triển mới đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam.

Khi mới tái lập, Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp thuần túy, là một trong những tỉnh nghèo. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu trường học và bệnh viện. Nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, bạn bè, nhất là chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đến nay, sau hơn 18 năm tái lập tỉnh, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tạo tiền đề vững chắc để Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh luôn giữ ở mức tăng cao, năm 2014 tăng 11,5%/năm. So với năm 1997, Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng gần 20 lần, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống người dân không ngừng đựơc nâng lên, an sinh xã hội từng bước đựơc bảo đảm… Chính vì vậy, Quảng Nam vinh dự đựơc Đảng và Nhà nặng tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhấn mạnh kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 40 năm giải phóng quê hương Quảng Nam là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà và của cả dân tộc. Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà cần tiếp tục phát huy truyền thống Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” và tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dnựg và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ một nền kinh tế hầu như chưa phát triển và là một trong các tỉnh nghèo nhất của cả nước, thu ngân sách trên địa bàn thấp, ở mức 127 tỷ đồng, hoàn toàn lệ thuộc vào trợ cấp kinh phí từ Trung ương; đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn Quảng Nam đạt gần 9.000 tỷ đồng, đứng vào hàng các tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước. Lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch có bước phát triển đột phá, đặc biệt là sau khi đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú ngày càng nhiều, trung bình có trên 2,5 triệu lượt khách năm…

Kết quả đạt được trong 40 năm qua là sự nỗ lực liên tục của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Quảng Nam. Là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Là sự thể hiện cụ thể bản lĩnh của Đảng bộ về lựa chọn hướng đi đúng; xác định những vấn đề đột phá và vận dụng linh hoạt cơ chế; dám nghĩ, dám làm để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam ngày càng giàu đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục