Quảng Ngãi: Chưa thể kết luận nguồn nước từ rác thải gây ung thư

Sau khi có phản ánh việc nhiều người chết vì ung thư do nhiễm độc nước thải từ Nhà máy xử lý rác Bình Nguyên, Sở Y tế Quảng Ngãi đã kiểm tra nguồn nước và chưa phát hiện vấn đề gì khác thường.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức khẳng định sau khi có phản ánh của người dân về tình trạng nhiều người chết vì ung thư, Sở đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng kiểm tra nguồn nước ở Nhà máy xử lý rác Bình Nguyên thuộc Công ty Lilama EME và đến nay chưa phát hiện vấn đề gì khác thường.

Cũng theo ông ​Đức, những người chết trong thời gian qua ở các độ tuổi khác nhau và bị các loại ung thư khác như (ung thư vòm họng, ung thư bẹn, ung thư đại tràng...) nên không thể kết luận do nguồn nước bị nhiễm độc. Việc từ đầu năm đến nay có nhiều người chết chỉ là sự trùng hợp.

Mấy ngày qua, hàng chục hộ dân ở Đội 1, thôn Đông Bình, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã tập trung ngăn chặn các xe chở rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải độc hại về Nhà máy xử lý rác Bình Nguyên thuộc Công ty Lilama EME.

Theo lý giải của người dân, Nhà máy xử lý rác thải Bình Nguyên không xử lý rác đúng quy trình mà đã chôn rác thải sinh hoạt chung với rác thải công nghiệp và rác thải độc hại chưa qua xử lý. Tuy nằm cách khu dân cư gần 2km nhưng nhà máy nằm trên đỉnh đồi, khi chôn lấp rác không qua xử lý sẽ khiến chất độc hại ngấm vào nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân phía hạ nguồn.

Cũng theo người dân, thực tế tại địa phương đã có nhiều người bị ung thư và chết. Từ đầu năm 2015 đến nay, riêng Đội 1 đã có bảy người chết vì bệnh ung thư. Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân thôn Đông Bình đã nhiều lần phản đối, yêu cầu chính quyền can thiệp. Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức nhiều lần đối thoại, làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp.

Phía lãnh đạo Công ty Lilama EME đã cam kết di dời hố chôn lấp cách xa khu vực dân cư thêm 2,5km (cách xa theo quy định của pháp luật) và sẽ thực hiện việc di dời trước năm 2015. Tuy nhiên đến tháng Tám, việc di dời điểm chôn lấp vẫn không được thực hiện.

Do đó, từ ngày 3/8, người dân Đội 1 đã tập trung, ngăn không cho các xe chở rác độc hại, rác công nghiệp về nhà máy. Từ ngày 10-17/8, người dân chặn thêm cả các xe chở rác sinh hoạt, bởi họ cho rằng nhà máy gian lận khi trà trộn rác độc hại với rác thải sinh hoạt.

Theo ông Trần Quang Tâm - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Chánh, việc chặn luôn cả các xe chở rác thải sinh hoạt là do người dân trong một lần thử chặn một xe chở rác thải sinh hoạt đã phát hiện các bình chứa dầu ăn đã qua sử dụng của Công ty Doosan và họ cho rằng các bình chứa dầu ăn này là chất độc hại.

Ông Trần Quang Tâm khẳng định: “Hiện nay, rác đang tập trung tại các tuyến đường chính gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền xã đã cử nhiều cán bộ xuống vận động người dân để xe chở rác thải vào nhà máy xử lý."

Theo ông Tâm, việc phản đối chôn lấp rác độc hại và đề nghị di dời hố chôn lấp là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ chính sức khỏe của người dân và của thế hệ mai sau. Nhưng trước mắt, người dân cần bình tĩnh và để cho các xe chở rác thải sinh hoạt vào nhà máy xử lý nhằm giải phóng một lượng lớn rác thải đang dồn ứ trong nhiều ngày qua.

Ông Huỳnh Vĩnh Phúc, quyền Giám đốc Nhà máy xử lý rác thải Bình Nguyên, cho biết Nhà máy luôn xử lý rác thải đúng quy trình, quy định của pháp luật. Tất cả rác khi đưa về nhà máy đều được phân loại, xử lý triệt để rồi mới đem đi chôn lấp. Để đảm bảo đúng quy định khoảng cách chôn lấp, nhà máy đã nhiều lần làm việc với địa phương tìm địa điểm chôn lấp xa hơn nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được.

Ông Phúc cho rằng việc người dân không cho chở rác thải đến nhà máy để xử lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân trong huyện. Vì không được xử lý nên hàng ngày, có khoảng 100 tấn rác bị ứ đọng tại các địa phương lân cận, do đã nhiều ngày người dân không cho xử lý, số lượng rác ứ đọng sẽ ngày càng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục