Quảng Ngãi đề nghị cấp gạo cho người bị viêm da

UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ đề nghị Chính phủ cấp 1.000 tấn gạo cho những gia đình có người mắc bệnh viêm da dày sừng dùng trong 6 tháng.
Ngày 16/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị bàn các biện pháp can thiệp phòng chống bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, ông Lê Quảng Thích, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sẽ đề nghị Chính phủ cấp 1.000 tấn gạo cho người dân sử dụng trong vòng 6 tháng.

Trong thời gian chờ đợi, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tơ và huyện Sơn Hà sử dụng ngân sách địa phương kịp thời cấp gạo cho những gia đình có người mắc bệnh. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ chi phí chuyển bệnh nhân từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh.

Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được ghi nhận tại Ba Tơ vào ngày 19/4/2011. Tính đến ngày 8/6/2012, Ba Tơ có 240 trường hợp mắc và 24 người đã tử vong. Sau gần 8 tháng bệnh tạm lắng, từ 15/2 đến ngày 15/3/2013, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 16 trường hợp mắc mới và tái phát tại 2 xã Ba Điền, Ba Vinh (Ba Tơ) và xã Sơn Ba (Sơn Hà).

Trước sự nguy hiểm của bệnh, thời gian qua, ngành y tế cùng với chính quyền địa phương tích cực triển khai đồng bộ các nhóm biện pháp như: huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh môi trường; nâng cao thể trạng và giải pháp về chuyên môn, duy trì giám sát tại cộng đồng, khám bệnh, cấp thuốc, xét nghiệm sàng lọc… và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

[Khảo sát vùng mắc hội chứng viêm da ở Quảng Ngãi]

Ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, ngành y tế tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp đã và đang triển khai. Thường xuyên theo dõi sát tại cộng đồng, kịp thời phát hiện các ca bệnh. Xử lý độc tố nấm tại các chòi chứa lúa, tiến hành các biện pháp khuyến cáo người dân thay đổi thói quen bảo quản lương thực sau thu hoạch.

Kết luận tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Quang Thích nêu rõ: tình hình bệnh năm nay diễn tiến khá phức tạp, phạm vi bệnh đã lan rộng, không loại trừ khả năng sẽ lan rộng ra nhiều địa phương ở miền núi. Vì vậy, trong thời điểm này, ngày y tế cần bám sát cơ sở, tăng cường giám sát tại cộng đồng; khám sàng lọc, cấp thuốc, theo dõi diễn biến bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh, giúp người dân yên tâm điều trị bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ động các biện pháp ứng phó nếu diễn biến bệnh gia tăng trong thời gian tới. Ngành giáo dục cần có biện pháp kịp thời giúp học sinh có người nhà mắc bệnh đang điều trị tại bệnh viện duy trì học tập, không để học sinh bỏ học vì gia đình khó khăn. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ công trình nước sạch, hệ thống bảo quản lương thực sau thu hoạch./.

Nguyễn Đăng Lâm (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục