Quảng Ngãi: Di dời cây đa cổ thụ 200 năm bị bật gốc về núi Thiên Bút

Việc di dời cụ đa cổ thụ 200 năm tuổi đi nơi khác khiến người dân địa phương và giới chuyên môn tỏ ra tiếc nuối bởi nó đã trở thành biểu tượng gần gũi, thân thuộc, gắn liền với đời sống tâm linh....
Quảng Ngãi: Di dời cây đa cổ thụ 200 năm bị bật gốc về núi Thiên Bút ảnh 1Di chuyển cây đa 200 tuổi về núi Thiên Bút. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Ngày 25/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi tổ chức di dời cây đa cổ thụ 200 năm tuổi bị bật gốc, ngã đổ ở đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng về trồng lại tại núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.

Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi đã chỉ đạo nhiều lực lượng tới hiện trường phối hợp thực hiện công tác này. Do thân đa có trọng lượng lên tới 120 tấn, đường kính gần 6m và dài gần chục mét nên 3 xe cẩu hạng nặng lần lượt là 120 tấn, 60 tấn và 50 tấn được huy động phục vụ việc nâng đỡ thân đa cổ thụ lên xe tải trước khi vận chuyển đến núi Thiên Bút. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, công việc mới hoàn tất.

Việc di dời cụ đa (cây đa cổ thụ 200 năm tuổi) đi nơi khác khiến người dân địa phương và giới chuyên môn tỏ ra tiếc nuối bởi nó đã trở thành biểu tượng gần gũi, thân thuộc, gắn liền với đời sống tâm linh, được mọi người tôn thờ, ngưỡng vọng; đồng thời, nó còn có giá trị vô vùng to lớn về mặt lịch sử, văn hóa.

Ông Bùi Đức Chí, phường Trương Quang Trọng chia sẻ, dân làng rất quý cụ đa nên khi cụ ngã đổ, ai nấy đều rất buồn. Chúng tôi mong muốn cụ đa được trồng lại tại phường, gìn giữ lại “báu vật” này cho muôn đời sau.

[Quảng Ngãi: Cây đa cổ thụ 200 năm tuổi bật gốc, đè chết người]

Ông Trần Bảo Phát, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cho hay tâm nguyện của bà con không khả thi vì qua khảo sát, đánh giá sơ bộ, chúng tôi nhận thấy, tại phường Trương Quang Trọng không có địa điểm nào phù hợp để trồng lại cây đa nên đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố di dời đến núi Thiên Bút - nơi linh thiêng của tỉnh và xem đó là giải pháp hữu hiệu nhất.

“Bộ rễ chính của cây đa đã bị thoái hóa nghiêm trọng, suy yếu nên tỷ lệ sống không cao. Hội sẽ dốc hết sức để cứu sống cây đa, bởi nó rất quý, đủ điều kiện để công nhận cây di sản,” ông Phát nói.

Như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, vào lúc 5 giờ 55 phút ngày 21/9, cây đa cổ thụ 200 năm tuổi nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi bất ngờ bị bật gốc, đổ đè chết một phụ nữ đi đường.

Nạn nhân được xác định là chị P.T.D., trú thôn Phong Niên, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Thời điểm đó, chị D. đang trên đường vào chợ Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng, lấy cá về chợ Bò, xã Tịnh Phong, để bán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục