Quảng Ngãi: Khai quật khảo cổ di tích Gò Đình

Hội nghị báo cáo kết quả bước đầu khai quật và nghiên cứu khảo cổ học khoa học khu vực Trà Bồng - Quảng Ngãi 2011 diễn ra ngày 17/8.
Ngày 17/8, tại thành phố Quảng Ngãi, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức "Hội nghị báo cáo kết quả bước đầu khai quật và nghiên cứu khảo cổ học khoa học khu vực Trà Bồng - Quảng Ngãi 2011."

Từ tháng 6 và tháng 7, các nhà khảo cổ đã quyết định chọn khu vực huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), vùng phía Bắc của Trường Lũy để tiến hành một cuộc khai quật và nhiều cuộc điều tra, thám sát tại những loại hình di tích khác nhau như phế tích kiến trúc, đồn bảo và lũy.

Về phía kiến trúc, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật lớn tại di tích Gò Đình. Gò Đình là một gò thấp nay thuộc thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Xung quanh gò là khu vực cư trú của những dòng họ của làng Xuân Khương xưa, có tên địa danh đáng lưu ý là xóm Trạm; dưới chân gò là Điện Trường Bà và vị trí cũ của chợ phiên Trà Bồng, và ngôi đình - trung tâm hội họp của cộng đồng dân cư xung quanh ấy.

Gò Đình có thể là chìa khóa để tìm hiểu về cảnh quan tự nhiên, xã hội và những biến đổi bối cảnh lịch sử xung quanh của Trường Lũy.

Những tài liệu khảo cổ học thu được ở di tích này còn liên quan đến một kiến trúc tín ngưỡng rất quan trọng của Quảng Ngãi, đó là điện Trường Bà. Kết quả khai quật cho thấy dấu vết nền, móng, bậc cấp mang lại cho chúng ta cái nhìn ban đầu về kiến trúc của ngôi đình xưa kia.

Qua những kết quả khai quật được, các nhà khảo cổ cho rằng kiến trúc này được xây dựng sớm nhất vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Trong thời gian tồn tại, đình được tu sửa, xây lại nhiều lần, lần cuối cùng vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX.

Sự có mặt của nhiều dòng gốm, đặc biệt là gốm Trung Hoa như gốm Đức Hóa, Phúc Kiến, gốm Móng Cái, gốm Hải Dương, gốm miền Nam như Biên Hòa, Lái Thiêu…tại di tích cho thấy một thị trường buôn bán rất sôi động tại khu vực này trong những thế kỷ XVIII, XIX.

Việc buôn bán sôi nổi ở đây cho thấy Trường Lũy không chỉ làm nhiệm vụ quân sự, ngăn chặn mà còn làm nhiệm vụ kiểm soát, thúc đẩy giao lưu giữa hai vùng Kinh-Thượng.

Sự hiện diện của các công trình kiến trúc tôn giáo ở những nơi có thị trường sôi động là tất yếu. Những công trình này che chở cho sự buôn bán về mặt tinh thần.

Đối với người Việt, ngôi Đình là cực kỳ quan trọng, do vậy việc phát hiện và nghiên cứu phế tích kiến trúc đình tại Trà Bồng lần này cho thấy người Việt ở nơi đây đã tồn tại và phát triển khá đông đúc để xây dựng nên công trình thờ tự tương đối lớn để gắn kết cộng đồng chặt chẽ, bảo tồn được văn hóa truyền thống của mình nơi rừng núi xa xôi miền Tây Quảng Ngãi.

Kết quả cuộc khai quật còn bổ sung tư liệu khoa học cho việc nghiên cứu điện Trường Bà Trà Bồng và đưa những di tích kiến trúc này vào khung cảnh của di tích Trường Lũy, bổ sung vào hồ sơ tư liệu, làm phong phú thêm cho di tích Trường Lũy./.

Đinh Thị Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục