Quảng Ninh: Doanh nghiệp nhà nước cũng phá rừng

Ở rừng phòng hộ hồ Yên Lập, ngay cả các doanh nghiệp cũng phá rừng đào than khi chưa được sự chấp thuận của ngành chức năng.
Đêm thức trắng trông rừng, trông than, ngày phải làm việc chuyên môn. Đây là cảnh ngộ mà các cán bộ huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đang trải qua trong những ngày cuối tháng 10 bởi vấn nạn than tặc hoành hành rừng phòng hộ hồ Yên Lập.

Thêm vào đó, gần đây nhiều cán bộ thường xuyên bị than tặc đe dọa, khủng bố tinh thần bằng tin nhắn điện thoại.

Khoảng ba tháng trở lại đây, tại khu 6, tiểu khu 62 rừng phòng hộ hồ Yên Lập, thuộc xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ xuất hiện hai moong khai thác than khai thác trái phép với quy mô lớn, rộng khoảng 1ha, xung quanh là đất đá thải khoảng trên 2ha. Các đối tượng đưa máy xúc, ôtô vào bốc xúc đất đá nhằm mục đích khai thác than trái phép.

Điều đáng nói, ở rừng phòng hộ hồ Yên Lập, không chỉ xuất hiện các đối tượng xấu mà ngay cả các doanh nghiệp ngành than cũng xâm hại rừng, phá rừng đào than khi chưa được sự chấp thuận của các ngành chức năng.

[Rừng phòng hộ Quảng Ninh đang "chảy máu đen"]

Gần đây, được sự hậu thuẫn, ủng hộ của các sở, ngành tham mưu của Ủy ban nhân dân tỉnh, một số doanh nghiệp ngành than liên tục đề nghị chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang khai thác than hầm lò, hoặc làm những công trình phụ trợ phục vụ cho khai thác than.

Chưa được chấp thuận, thế nên trong lúc chờ Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, thì các đơn vị ngành than cứ “tiền trảm rừng, hậu tấu chính quyền.” Những cây rừng bị đốn hạ, những khai trường mỏ được hình thành với quy mô lớn.

Trước sự xâm phạm rừng của doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 21/1/2011 xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty Than Uông Bí vì hành vi phá 7.812m2 rừng phòng hộ trái pháp luật tại khoảnh 3, tiểu khu 62 thuộc xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ.

Tuy nhiên, Công ty Than Uông Bí một mặt liên tục làm công văn đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lên các sở, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, mặt khác vẫn tiến hành mở rộng phạm vi phá rừng làm mỏ khai thác than mà chưa được phép của chính quyền.

Chỉ trong vài tháng gần đây phía Công ty đã mở thêm 11.285m2 rừng tự nhiên, thuộc rừng phòng hộ hồ Yên Lập, tại các khoảnh 1, 2, 4, tiểu khu 62, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ.

Ngày 1/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu xác nhận Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ký quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Than Uông Bí vì hành vi xâm phá rừng phòng hộ trái pháp luật.

Thực tế, công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản của chính quyền địa phương nói chung và đơn vị ngành than nói riêng còn nhiều hạn chế. Ông Trần Đức Tuân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoành Bồ phàn nàn dù các doanh nghiệp ngành than đã ký kết quy chế phối hợp trong việc thực hiện quản lý tài nguyên nhưng họ lại chỉ lo sản xuất, kinh doanh khai thác than mà không chú trọng quản lý bảo vệ và ngồi kêu hỗ trợ mỗi khi xảy ra sự cố.

Ông Tuân cũng thừa nhận để nạn khai thác than trái phép xảy ra nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ công chức ngại va chạm. Một lực lượng kiểm lâm đến “con ruồi bay vào rừng cũng biết” hay một trung đội bảo vệ của doanh nghiệp than được cắt cử mỗi người trông coi một tiểu khu, ngày nào cũng đi tuần làm sao không biết một khai trường than lớn với phương tiện ra vào rừng rầm rầm? Ông Tuân tự lý giải: "Họ biết, nhưng hoặc họ sợ vì đe dọa, hoặc có vấn đề không minh bạch."

Vì thế, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết phải giữ rừng phòng hộ, hạn chế tối đa việc xâm hại rừng. Dù dưới rừng có than thì cũng nên giữ, bởi than nay không dùng thì mai sau dùng. Khai thác than trong rừng phòng hộ, môi trường ắt sẽ bị tàn phá.

Rõ ràng, cái gốc của vấn đề là cần bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ hồ Yên Lập, vừa giữ được nguồn sinh thủy cấp nước cho cộng đồng vừa hạn chế tối đa vấn nạn khai thác than trái phép nhức nhối bấy lâu nay ở đất mỏ./.

Văn Đức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục