Quảng Ninh: Gấu nuôi chết do sắp hết vòng đời và suy dinh dưỡng

Gấu nuôi chết ở Quảng Ninh được xác định là do gấu sắp hết vòng đời, trong khi chủ nuôi gặp khó khăn, dẫn tới việc chăm sóc không đảm bảo.
Quảng Ninh: Gấu nuôi chết do sắp hết vòng đời và suy dinh dưỡng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Xuân Tùng/TTXVN)

Hơn 80 cá thể (con) gấu bị chết trong vòng một năm qua ở các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh. Ngay sau khi dư luận lên tiếng, các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc và xác minh nguyên nhân dẫn đến gấu bị chết là do tuổi gấu sắp hết vòng đời.

Quản lý tốt, nuôi nhốt không vi phạm…

Ông Phạm Văn Phát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh khẳng định: Qua kiểm tra thực tế tại 2 cơ sở nuôi gấu tại khu Cầu Trắng, phường Đại Yên (thành phố Hạ Long) và cơ sở nuôi gấu ở khu Đường Ngang, phường Minh Thành (thị xã Quảng Yên) thì cơ bản các chủ nuôi gấu đã chấp hành đúng theo các quy định của pháp luật trong quản lý gấu nuôi về điều kiện chuồng trại, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Cơ quan quản lý không phát hiện các chủ nuôi gấu có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý gấu nuôi nhốt tại các cơ sở trên.

Trước đó, như TTXVN đưa tin hơn 80 con gấu chết trong vòng 1 năm ở các trại nuôi gấu tư nhân trên địa bàn Quảng Ninh chủ yếu do suy dinh dưỡng, bệnh tật. Nhiều con gấu đang bị bỏ đói là thực trạng đáng báo động tại các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh, việc quản lý nhà nước về gấu nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh là nghiêm túc, trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật; thể hiện sự kiên quyết, không bao che của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ gấu nuôi nhốt.

Các cơ quan liên quan có nhiều biện pháp để phối hợp tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về gấu nuôi; đã chú trọng tăng cường phối hợp và tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật về bảo vệ loài gấu; tăng cường phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm đối với chủ nuôi gấu, vi phạm của các cá nhân, đơn vị tổ chức đưa đón khách vào tham quan trại gấu.

Từ tháng 8/2014 đến nay, tình trạng các đoàn lữ hành tham quan trại gấu, lợi dụng mua bán mật gấu trái phép đã chấm dứt.

Riêng năm 2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với tổ chức Động vật châu Á thực hiện 2 đợt tuyên truyền về bảo vệ gấu trên địa bàn thành phố Hạ Long; mời các chuyên gia, bác sỹ thú y người nước ngoài thuộc Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo phối hợp tư vấn, khám sức khỏe cho gấu tại thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên.


… nhưng gấu vẫn bị ốm và chết

Quản lý nhà nước tốt là vậy, chủ trang trại gấu cũng chẳng vi phạm pháp luật về chăn nuôi, bảo vệ gấu. Song nghịch lý là số gấu bị chết ở các trại nuôi ngày một gia tăng.

Mới đây, ngày 28/1/2015, tại trại nuôi gấu của gia đình ông Nguyễn Trọng Bờ (ở phường Đại Yên, thành phố Hạ Long) đã có thêm hai con gấu bị chết.

Cuối tháng 1 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh chính thức công bố nguyên nhân gấu chết là do hầu hết các cá thể gấu nuôi nhốt trên địa bàn đều có độ tuổi trung bình từ 15-20 tuổi, sắp hết vòng đời, trong khi đó, điều kiện kinh tế của các chủ nuôi gấu gặp khó khăn, dẫn tới việc chăm sóc, chế độ ăn dinh dưỡng không đảm bảo.

Điều kiện sống của gấu nuôi tồi tệ. Phương pháp chăn nuôi không phù hợp, gấu hoàn toàn bị nuôi nhốt trong các lồng sắt chật chội. Gấu ở một số trại đã bị bỏ đói trầm trọng, bị suy dinh dưỡng nặng, căng thẳng, bị suy giảm hệ miễn dịch và nhiều bệnh về tiêu hóa... là đánh giá của chuyên gia khám sức khỏe cho số gấu trên.

Theo kết quả khám sức khỏe cho gấu của Tổ chức Động vật Châu Á tại văn bản số 90 CV/AAF-VN ngày 27/11/2014 và báo cáo đánh giá kết quả khám sức khỏe cho gấu của Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo, toàn bộ số gấu tại 3 trại gấu được khám sức khỏe đều có tình trạng suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng, gấu bị suy kiệt về sức khỏe và có dấu hiệu bị sừng hóa ở lòng bàn tay, bàn chân; đa số các cá thể gấu đều có vết thương trên cơ thể; nhiều cá thể gấu bị sứt mẻ, sún răng và có biểu hiện bất ổn về thần kinh…

Nếu đánh giá sức khoẻ từ 0 đến 5, số gấu đã kiểm tra trung bình chỉ đạt chỉ số 1,1 (0 là suy dinh dưỡng nghiêm trọng, 5 là béo phì).

Tất cả số gấu chết đều được chủ nuôi gấu thông báo cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác định nguyên nhân gấu bị chết, mã số chíp điện tử, lập hồ sơ và tổ chức tiêu hủy kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Để có giải pháp giải quyết dứt điểm số gấu nuôi trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Phát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có phương án di chuyển toàn bộ số gấu nuôi từ tỉnh Quảng Ninh đến các trung tâm cứu hộ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định của pháp luật.

Ông Phát cũng đề nghị, Bộ cần xem xét cơ chế tài chính hợp lý cho các chủ nuôi, nhằm cứu hộ bảo tồn số gấu còn lại sắp hết vòng đời.

Như vậy, số phận của những cá thể gấu ở các trại nuôi ở Quang Ninh vẫn đang phụ thuộc vào những động thái sớm hay muộn của cơ quan chức trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục