Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước đã gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội.

Thế nhưng, với những quyết sách đúng đắn cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp từ cấp tỉnh cho tới các cấp cơ sở, Quảng Ninh đã trở thành một trong số các địa phương trong cả nước đảm bảo được “mục tiêu kép” – vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.


Tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu cả nước

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng của năm 2021 toàn tỉnh tăng 8,6%, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Khu vực nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 4% cùng kỳ, đóng góp 0,2 điểm % tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 5,6% GRDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,6% cùng kỳ, đóng góp 5,6 điểm % tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 53,9% GRDP. Khu vực dịch vụ tăng 5,5% cùng kỳ, đóng góp 1,9 điểm % tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 29,1% GRDP. Khu vực thuế sản phẩm tăng 6% so với cùng kỳ, đóng góp 0,6 điểm % và chiếm tỷ trọng 11,4% GRDP.

Đáng chú ý, công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 10,58% cùng kỳ. Cụ thể: Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 1,67% cùng kỳ; riêng sản lượng than sạch đạt 35,1 triệu tấn, bằng 100,55% cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37% cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,72% cùng kỳ; riêng sản lượng điện đạt 28,3 tỷ kwh, tăng 2,55% cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,08% cùng kỳ.

Sự tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua là rất đáng khích lệ, đưa Quảng Ninh đến thời điểm này đứng trong tốp các địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP vào loại cao của cả nước.

Để đạt được kết quả trên, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; tạo đột phá trong việc thu hút đầu tư cũng như tích cực tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, đối thoại, tìm tiếng nói chung để từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quang Ninh Investor Care)…

Đặc biệt, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng, các thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được tỉnh kịp thời triển khai, tạo được sự đồng thuận của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các lĩnh vực cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đối với chỉ số PAR Index, các chỉ số thành phần đang tiếp tục có sự tăng điểm ổn định và tiếp cận gần với điểm số tuyệt đối. Đối với các chỉ số SIPAS, PAPI, các giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân vẫn đang được triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng của công dân thông qua khảo sát tại Trung tâm Hành chính công các cấp trong 9 tháng đầu năm đạt trên 99%.

Ngoài ra, công tác lập và quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm chú trọng; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc thực hiện; an sinh xã hội, lao động, việc làm, y tế, văn hóa… được đặc biệt quan tâm, đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo.

Có thể khẳng định rằng đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế như trên là nhờ tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, thống nhất ý chí và hành động, kiên trì thực hiện thành công phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” cùng với dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Giữ vững “vùng xanh” để phát triển bền vững

Sự tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là rất đáng khích lệ, đưa Quảng Ninh đến thời điểm này đứng trong tốp các địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP vào loại cao của cả nước.

________

Xác định trọng tâm công tác phòng chống dịch bệnh là ưu tiên cao nhất góp phần phát triển kinh tế-xã hội, trong quý 4/2021, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tạo bước đột phá về tiêm phòng vaccine COVID-19 để thiết lập “hàng rào bảo vệ”.

Theo đó, Quảng Ninh đang tổ chức tiêm phòng toàn dân, phấn đấu tiêm phòng cho 90% người đủ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng trong thời gian sớm nhất, giữ vững “vùng xanh” an toàn.

Song song với đó, để phát triển kinh tế của địa phương, cuối năm 2021, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đưa thêm 3 công trình động lực vào khai thác, trong đó cao tốc Vân Đồn-Móng Cái sẽ là công trình quan trọng để phát huy lợi thế các cửa khẩu, tạo ra cực tăng trưởng mới. Tỉnh quyết tâm giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh, các chỉ số xếp hạng; xây dựng các chỉ tiêu cụ thể, gắn với trách nhiệm các ngành, thực tế địa phương để ưu tiên phát triển góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh…

Tại phiên họp thường kỳ tháng Chín vừa qua để kiểm điểm, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng và thảo luận các giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, ông Nguyến Tường Văn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh phải đặt ra nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là kiểm soát tốt dịch bệnh, quyết tâm giữ địa bàn an toàn trên cơ sở thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch đã phát huy hiệu quả tích cực trong thời gian qua.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái

“Toàn tỉnh tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất; phấn đấu đến 30/10 cơ bản hoàn thành tiêm nhắc lại mũi 2 để sớm đạt miễn dịch cộng đồng,” ông Văn nhấn mạnh.

Cùng với đó, các cấp cần quán triệt quan điểm đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay, nhằm vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động; bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Quảng Ninh đang tổ chức tiêm phòng toàn dân .

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021; trong đó Tổ công tác đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh, tập trung kiểm tra đôn đốc và tháo gỡ khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện và giải ngân các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Về kịch bản tăng trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu từng ngành phải bám sát vào chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện; đặc biệt là bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Các ngành, địa phương nghiên cứu các giải pháp, cách làm sáng tạo để khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhất là ngành du lịch, dịch vụ để sớm khôi phục trở lại.

Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đón hơn 300 khách có hộ chiếu vaccine từ Pháp

Người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh đề nghị các ngành, các cấp phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách; tập trung khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bám sát Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đến năm 2040 và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ và nội dung đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Hạ Long mở rộng cũng như các quy hoạch của các địa phương…

Song song với đó, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả thực chất của các mô hình cải cách hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở.

Đối với các ngành và lĩnh vực cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, địa phương làm việc với các doanh nghiệp đã và đang thực hiện các thủ tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn…  để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời đồng thời rà soát kế hoạch sản xuất nông nghiệp đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án vận tải, vận chuyển, lưu thông sản phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch COVID-19.

Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cơ quan tham mưu bám sát Bộ Công Thương để giao tăng sản lượng than, điện theo kịch bản đề ra. Các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp dệt may, loa, màn hình tivi, thân mũ… tăng năng suất, sản lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Với những kết quả đã đạt trong chín tháng vừa qua, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 2 con số, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước./.

  • Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 9/2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 67% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 27.277 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
  • Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động tới nhiều lĩnh vực, song với nhiều giải pháp đề ra, số lượng doanh nghiệp mới thành lập trên địa  bàn tỉnh vẫn đạt 1.490 doanh nghiệp, bằng 75% so với chỉ tiêu kế hoạch với số vốn đăng ký đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.