Quảng Ninh kiên quyết không để dân quay lại khu vực nguy hiểm

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ngành than cần thống nhất sớm với tỉnh về đề án tái định cư tổng thể cho các khu vực chân bãi thải nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Quảng Ninh kiên quyết không để dân quay lại khu vực nguy hiểm ảnh 1Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long kiểm tra công tác khắc phục sự cố do mưa lũ tại đập 790 chân bãi thải Đông Cao Sơn, phường Mông Dương. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Ngày 12/8, tại buổi làm việc gỡ khó cho ngành than, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chia sẻ với Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã phải chịu thiệt hại vô cùng lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất mà không thể khắc phục ngay được.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đánh giá cao tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tập đoàn và của Tổng Công ty Đông Bắc cùng tất cả các đơn vị thành viên đã tập trung chống mưa lũ và khắc phục hậu quả với tinh thần nhanh nhất, chủ động nhất, có phương án, giải pháp khoa học, hiệu quả trong việc khôi phục sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Quảng Ninh sẽ khẩn trương hoàn chỉnh phương án tái định cư các hộ dân và kiên quyết không để các hộ dân quay trở lại nơi ở cũ để đảm bảo an toàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ngành than cần thống nhất sớm với tỉnh về đề án tái định cư tổng thể cho các khu vực chân bãi thải nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân; khẩn trương hoàn chỉnh chính sách đền bù tái định cư và ưu tiên đất tái định cư cho nhân dân. Đồng thời, Quảng Ninh cam đoan sẽ quan tâm, rà soát lại các quy hoạch, trong đó chú ý đến quy hoạch thoát nước ngành than; di dân nơi sông suối, nơi sạt lở.

Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần xem xét điều chỉnh lại quy hoạch trong phát triển ngành than nói chung, trong đó có quy hoạch các bãi thải.

Theo dự kiến, do ảnh hưởng của đợt mưa lụt vừa qua, sản lượng khai thác của Tập đoàn sẽ hụt 1 triệu tấn than so với kế hoạch đã đề ra năm 2015. Do đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Long kêu gọi ngành than phát động chiến dịch thi đua sản xuất phấn đấu đạt được sản lượng cao nhất (tối thiểu chỉ hụt 500.000 tấn so với kế hoạch).

Đợt mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra từ cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám khiến ngành than của tỉnh Quảng Ninh thiệt hại nặng nề. Tuy không có thiệt hại về người, song tổng thiệt hại vật chất khoảng 1.200 tỷ đồng.

Ngoài những thiệt hại về vật chất, các đơn vị của ngành than còn bị ảnh hưởng xấu trong hoạt động sản xuất, không có sản phẩm, không bố trí việc làm được cho 50-80% công nhân (tương ứng với trên 30.000 người)...

Riêng Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) bị thiệt hại khoảng 314 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là ở mỏ hầm lò Đông Bắc Cọc Sáu và Bắc Quảng Lợi của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 790 và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 35 khiến gần 1.000 lao động bị gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục hậu quả, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã tập trung lực lượng, thiết bị để ứng cứu, hạn chế thiệt hại, đồng thời từng bước khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau mưa lũ trong thời gian sớm nhất.

Tại các mỏ khai thác than, lực lượng công nhân tăng cường bơm thoát nước, duy trì và kiểm soát mức nước trong lò, củng cố đường lò; tranh thủ thời tiết thuận lợi xử lý đất đá thông các tuyến đường, sửa chữa thiết bị, khôi phục tầng khai thác, gia cố kè đập, khơi thông hệ thống thoát nước.

Ở các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề như Công ty Than Mông Dương, Công ty Than Quang Hanh đã cố gắng bố trí việc làm cho trên 70% lao động. Số lao động chưa bố trí được việc làm sẽ giải quyết nghỉ phép theo chế độ, nghỉ điều dưỡng, tổ chức huấn luyện an toàn. Dự kiến, đầu tháng Chín, hầu hết các đơn vị sẽ trở lại sản xuất bình thường, bố trí đủ việc làm cho lao động (trừ Công ty than Mông Dương).

Ngoài ra, đối với những lao động phải nghỉ việc trong những ngày mưa lũ, Tập đoàn và các đơn vị thành viên giải quyết hỗ trợ tiền lương trong những ngày phải nghỉ việc theo quy định; hỗ trợ người lao động bị hư hỏng, mất nhà cửa, di chuyển đến nơi ở mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục