Quên mình cứu trường

Những thầy cô giáo quên mình cứu trường trong lũ

Tại Hà Tĩnh, chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những nhà giáo - những Đảng viên hy sinh cả tính mạng để cứu trường, lớp.
Trong những ngày trở lại Hà Tĩnh, chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những nhà giáo - những Đảng viên hy sinh cả tính mạng để cứu trường, cứu lớp. Với bầy trẻ miền Trung bão lũ, đó sẽ mãi là một bài bi ca không dứt trong suốt cuộc đời.

Trắng vành khăn tang ngày nhà giáo

“Đáng lẽ hôm ni, vợ tôi vẫn đang cùng học sinh kỷ niệm ngoài trường mầm non. Rứa mà đã 49 ngày từ khi cô ấy mất,” anh Nguyễn Văn Trung mếu máo khi nhắc đến người vợ đã hy sinh để cứu sách giáo khoa cho học sinh trong những ngày lũ lớn.

Căn nhà nhỏ từ ngày cô giáo Trần Thị Hoa ra đi trở nên tiêu điều và quạnh quẽ đến nao lòng. Từ hơn một tháng nay, chỉ có ba bố con anh Trung quẩn quanh bên di ảnh của người vợ, người mẹ đã ra đi quá đột ngột.

Cầm trong tay những tấm ảnh chụp chị Hoa những ngày còn sống, anh Trung vẫn không thể tin vào sự thực. Anh bảo, bây giờ anh chẳng còn nhìn thấy chị xăng xái trong công tác Đảng như suốt 15 năm nay chị vẫn thế, cũng không còn được nghe thấy tiếng giảng bài ấm áp cho con của chị nữa.

Người đàn ông 42 tuổi ngồi trước mặt chúng tôi lúc này vẫn khóc tu tu như đứa trẻ lên ba. Anh bảo, cho đến tận hôm nay, đêm nào anh cũng mơ lại cảnh vợ bị lũ cuốn trôi ngay trước mắt mình mà không làm sao níu giữ được.

“Bữa nớ, tôi nhớ là ngày 3/10, nước lũ từ sông Ngàn Sâu sát nhà dâng lên rất nhanh. Từ tờ mờ sáng, vợ tôi đã cuống cuồng đòi ra trường để cứu số sách vở mới mua cho học sinh,” anh Trung bần thần kể.

Lúc này, ngó ra xung quanh, anh Trung đã thấy nước cuồn cuộn dâng lên, liếm sát ngọn cây thấp trước nhà. Mưa cũng bắt đầu rơi như trút. Không đành lòng để vợ đi, anh bảo chị đưa khóa để anh và một người hàng xóm đi cứu trường. Nhưng cô giáo trường mầm non Hương Thủy nhất quyết không chịu, cùng chồng băng mình vào dòng nước xiết.

Trời mỗi lúc một xầm xì. Gió, nước thốc thẳng vào mặt ba người. Do nhà cách trường đến 3km, cả ba buộc phải vừa bấu víu lấy nhau, vừa dò dẫm lội đi giữa một biển nước đỏ ngầu. Chồng đi trước, vợ đi sau, liêu xiêu trong cơn mưa dữ.

Đến lúc vượt cầu Hối Hối, cả ba người chỉ còn cách trường Hương Thủy chừng 500m. Cô Hoa mừng quýnh quáng, giục hai thành viên còn lại trong đoàn “cứu hộ mầm non” mau chân lên chút nữa.

Đúng khi ấy, một con nước lũ bất ngờ “lồng” lên, cuốn phăng, kéo giật ngược cả đoàn trở lại. Mặc dù bị trôi đi đến hơn 30m, nhưng anh Trung và người hàng xóm vẫn kịp níu vào một cành cây nên sống sót. Chỉ có chị Hoa, do yếu sức nên không sao thoát được.

Nhìn vợ chết đuối trước sức mạnh kinh hoàng của cơn lũ dữ mà lòng người chồng quặn xé, ngất lên ngất xuống nhiều ngày liền.

Chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã huy động thuyền và thay nhau túc trực tìm thi thể cô Hoa. Cả đoạn đường ray xe lửa nơi cô hoa mất tích dài chừng vài cây số đông nghịt người và khi đêm đến người ta thấy cả đoạn đường này rực đỏ đèn, đuốc và luôn vang vọng tiếng kêu gọi í ới của đội cứu hộ.

Phải đến chiều ngày thứ ba, đội cứu hộ mới phát hiện thi thể của người giáo viên quên mình vì trường lớp đã nổi cách địa điểm bị lũ cuốn khoảng chừng 1km.

Thấy bố khóc, hai cô con gái nhỏ của anh Trung là các cháu Nguyễn Thị Thúy Hằng (13 tuổi) và Nguyễn Thị Thúy Ngân (4 tuổi) cũng òa lên theo. Anh Trung bảo, ngày này mọi năm, bao giờ nhà cũng vui vì bầy học sinh tíu tít đến chơi với chị. Nhưng, năm nay, thay vào đó chỉ là những vành khăn tang trắng đến nhức nhối lòng người.

Những người anh hùng thầm lặng

Cũng trong những ngày đi sâu vào rốn lũ Hà Tĩnh, chúng tôi được gặp những thầy cô giáo cũng là những Đảng viên đã xả thân cứu trường trong bão lớn.

Đã hai tuần nay, đám học sinh trường trung học cơ sở Đặng Dung (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn cứ bàn nhau không dứt về chuyện thầy giáo Nguyễn Hữu Cường một mình vượt nước, cứu trường giữa đêm mưa lũ.

Đón chúng tôi trong căn phòng cấp 4 còn rõ ngấn nước tới tận nóc tủ, thầy Cường bảo, căn phòng trong ký túc xá trường là nơi hai vợ chồng thầy đã sống gần chục năm nay.

Nhớ lại đêm hôm nước lũ tràn về, thầy Cường bảo, vẫn không sao quên được cảm giác một mình đứng giữa biển nước đen ngòm. Cả một khoảng trường rộng mênh mông chỉ còn trơ căn phòng của hai vợ chồng.

“Chĩa đèn pin xuống mấy dãy lớp học cấp 4 đã thấy nước tràn vào tới ngang cửa. Lúc đó chỉ nghĩ, nếu không có ai xuống cứu tài liệu, đồ dùng thì sau lũ, các em chẳng biết lấy gì mà học,” thầy Cường kể.

Nghĩ vậy, thầy Cường vơ vội chiếc búa trong nhà, bơi vội mấy lớp học đang dần bị nước lũ nuốt chửng. Điện toàn trường đã mất từ lúc mưa bắt đầu nặng hạt, thầy chỉ biết lần theo ánh đèn pin loang loáng phía trước mò mẫm vào từng phòng.

Ngoài trời nước không biết từ đâu cứ nối nhau xô tới. Nước chui từng hộc tủ, nước đánh tung từng chồng tài liệu, hất văng đi khắp nơi. Một mình thầy Cường, lóp ngóp trong đêm tối, vội vàng cột chặt đống giấy tờ còn sót lại đội lên đầu mang ra ngoài.

Nước lên mỗi lúc một nhanh, chẳng mấy chốc đã đến ngang người. Ngâm mình trong nước gần một tiếng đồng hồ, thầy Cường bảo, người lúc đó đã mệt lả, vừa lạnh lại kiệt sức. Vận chuyển được sách vở, tài liệu, thầy đuối quá, vớ vội lấy chiếc thuyền gỗ của trường, chèo vào sát các phòng để cứu nốt máy chiếu bên trong.

Đến khi hầu hết tài sản đáng giá nhất của trường Đặng Dung “yên vị” trên tầng hai, thầy mới thở phào nhẹ nhõm.

“Lúc quay về, gian nhà ni đã ngập trắng, chăn đệm, máy tính đều hỏng hết, không còn chi nữa,” thầy Cường thành thật.

Nhưng, người thầy giáo da đen nhèm và nhỏ thó ấy vẫn cười rất vui, bảo, đồ của mình hỏng còn có thể mua lại, đồ của trường ướt, lũ nhỏ lấy chi mà học.

Cũng trong cơn lũ tháng 10, những người làm giáo dục huyện Can Lộc không thể quên gương cô giáo Nguyễn Thị Quý, hiệu trưởng trường mầm non bán công Sơn Lộc, lê chiếc chân đau hơn chục năm đi cứu trường giữa lũ. Cùng với tập thể hơn 20 nữ giáo viên khác, cô đã bám trường, giành giật với thủy thần từng hạt gạo nấu ăn cho học trò.

Những câu chuyện về những thầy cô giáo, những Đảng viên như cô Hoa, thầy Cường, cô Quý… như một bài ca bất diệt trong những ngày miền Trung oằn mình trong biển nước./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục