Quốc hội bàn phân bổ nguồn tăng thu ngân sách

Trong phiên họp sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phân bổ nguồn tăng thu ngân sách năm 2009 và quyết toán ngân sách năm 2008.
Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2009 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Về phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2009, theo Tờ trình của Chính phủ, kết quả thu Ngân sách nhà nước năm 2009 đạt 442.340 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán và tăng thêm 51.690 tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội.

Tính đến hết năm 2009, dự toán chi ngân sách Trung ương chưa sử dụng còn lại là 506 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo, đảm bảo xã hội, quản lý hành chính, và chi trợ giá các mặt hàng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá năm 2009, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao, chỉ đạt 5,32%, cùng với các biện pháp chống suy giảm kinh tế đã thực hiện như chính sách miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế... thu ngân sách Nhà nước vẫn vượt dự toán lớn.

Về số tăng bội chi ngân sách Nhà nước dự kiến năm 2009 là 28.600 tỷ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cùng quan điểm với Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng theo Nghị quyết số 32/2009/NQ-QH 12 của Quốc hội chỉ cho phép tăng bội chi để bù hụt thu và đảm bảo theo dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Một số ý kiến thống nhất với đề nghị của Chính phủ bố trí số tiền tăng bội chi 28.600 tỷ đồng (với mức bội chi năm 2009 Quốc hội cho phép là 6,9% GDP) để bù hụt cho các địa phương và thu hồi vốn đã ứng chi thực hiện các chính sách kích thích kinh tế trong năm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, phải công khai minh bạch quy trình, thủ tục của việc ứng vốn này.

Về nguồn vốn kết chuyển năm 2008 sang năm 2009 là 8.955 tỷ đồng, nhiều đại biểu tán thành với phương án của Chính phủ, bổ sung kinh phí để tăng nguồn thực hiện các chương trình tín dụng Nhà nước; xử lý dứt điểm khoản ứng vốn thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản; hỗ trợ vốn đối ứng các dự án ODA.

Báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2009, dự toán chi chưa sử dụng còn lại là 506 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục-đào tạo 52 tỷ đồng, đảm bảo xã hội 99,4 tỷ đồng, quản lý hành chính 314,5 tỷ đồng.

Chính phủ đề nghị sử dụng 506 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020."

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị cần cân nhắc thêm về quyết định này vì việc sử dụng số dư dự toán cho ngân sách nhà nước cần phải thể hiện đúng thứ tự ưu tiên cho giảm bội chi ngân sách, chi cho đầu tư phát triển.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc thu Ngân sách Nhà nước vượt dự toán lớn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý về chất lượng công tác lập dự toán ngân sách, bảo đảm trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước sát thực tế hơn.

Phó Chủ tịch đề nghị cần cố gắng cập nhật thông tin chính xác, để Quốc hội xem xét việc thu-chi năm 2009 là căn cứ rất quan trọng cho việc dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, theo đó, thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2008 là 430.549 tỷ đồng, vượt 33,3% so với dự toán. Chi cân đối ngân sách là gần 453.000 tỷ đồng, vượt 13,5% so với dự toán. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% GDP, trong mức Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng xây dựng dự toán chưa cao, nhiều khoản thu-chi chưa sát thực tế.

Mặc dù thu ngân sách năm 2008 vượt dự toán nhưng nguồn thu chưa vững chắc; việc chấp hành các quy định về quản lý thu ở một số địa phương, đơn vị còn chưa nghiêm, nhiều sai phạm trong quản lý thuế diễn ra với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, số nợ đọng còn lớn (tổng số nợ đọng thuế là gần 24.000 tỷ đồng).

Về chi ngân sách nhà nước cũng vượt dự toán, có thời điểm công tác quản lý, điều hành chi còn bị động trước tác động tiêu cực của kinh tế trong nước và thế giới./.

Quỳnh Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục