Quốc hội bàn về quyền sở hữu nhà của Việt kiều

Sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, theo đó quy định mở rộng hơn về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, theo đó quy định mở rộng hơn về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ba nhóm đối tượng được mở rộng so với quy định hiện hành (điều 126 Luật nhà ở) gồm người có quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt và người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước.

Trong khi đó, việc sửa đổi điều 121 của Luật Đất đai cho phép chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền cho thuê nhà trong thời gian họ tạm thời không sử dụng, được ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở nhưng không được hưởng quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào trở về quê hương làm ăn, sinh sống.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về việc mở rộng đối tượng được được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam, về số lượng nhà ở gắn với quyền sử dụng đất, về các quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo một số đại biểu, quy định mở rộng hơn về đối tượng như vậy sẽ nảy sinh một số hiện tượng như đầu cơ nhà đất, đẩy giá bất động sản trong nước lên cao, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh chính trị. Theo các đại biểu, quy định mở rộng đối tượng sở hữu nhà cần có lộ trình chặt chẽ nhằm hạn chế những sơ hở đáng tiếc xảy ra, đồng thời nghiên cứu kỹ những ảnh hưởng về xã hội của quy định này.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng khi sửa đổi và mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở, cần phải nâng cao khả năng dự báo sẽ có bao nhiêu người nước ngoài về Việt Nam mua nhà để có hướng điều chỉnh, bổ sung cho sát với thực tế. Mặt khác, Quốc hội cần phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt là những vấn đề bức xúc liên quan đến quyền dân sự, để có thể giải quyết thấu đáo.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng việc sửa đổi Luật này mới chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế mà chưa lường hết được những ảnh hưởng về sau. Trong khi đó, bức xúc nhất hiện nay là vấn đề tranh chấp đất đai.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị dự án Luật cần quy định rõ hơn về đối tượng điều chỉnh như người chỉ có quốc tịch Việt Nam hay có hai quốc tịch, người Việt Nam định cư ở nước ngoài dưới 18 tuổi.

Đại biểu Ksor Phước (Gia Lai) cho rằng trong dự án Luật quy định quá rộng, cần phân biệt đối tượng điều chỉnh. Ông cho rằng dự án Luật nhằm phát huy truyền thống của Việt Nam và kêu gọi họ hướng tâm về Tổ quốc. Vì vậy, để khuyến khích, các đối tượng hướng về Tổ quốc cần ưu tiên hơn so với người có 2 quốc tịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục