Quốc hội biểu quyết 4 Luật và cho ý kiến 2 dự thảo Luật

Sáng 17/6, Quốc hội biểu quyết Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Các Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17/6, Quốc hội biểu quyết Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Việc xây dựng dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực pháp lý các quy định điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đồng thời khắc phục các quy định bất cập, hạn chế của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Thảo luận tại tổ trước đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nhiều ý kiến đã góp ý về: đối tượng áp dụng; chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế; nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế...

[Kỳ họp thứ 9: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên sửa đổi]

Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Sau nội dung này, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Trước đó trong buổi thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tạo môi trường minh bạch, đồng bộ đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời, bảo đảm sự tương thích với pháp luật các nước và các công ước quốc tế về lao động di cư.

Các đại biểu đã cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chế độ bảo hiểm, chính sách đối với người lao động khi về nước; về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; về  cấp giấy phép và thời hạn giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chuẩn bị nguồn lao động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục