Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi

Với đa số phiếu tán thành, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi ảnh 1Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật Chăn nuôi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi.

Thể chế hóa đường lối, chính sách về phát triển trồng trọt

Với 455/461 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 93,81%, Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt. Với 7 chương, 85 điều, Luật quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Trồng trọt.

[Quản lý chặt việc sử dụng phân bón và giống cây trồng]

Cụ thể, về chính sách trong hoạt động trồng trọt (Điều 5), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ chính sách nêu tại điểm đ khoản 2 Điều 5, theo đó chỉ nên có chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với sản xuất lúa nước, khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Hiện nay quản lý diện tích đất trồng lúa đang được thực hiện theo Luật Đất đai, Nghị quyết số 134/2016/QH13 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia để bảo đảm duy trì diện tích đất trồng lúa là 3,8 triệu ha.

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất trồng lúa hiện nay là thấp hơn so với một số cây trồng khác nên có tình trạng một số người dân tự chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc bỏ hoang đất lúa.

Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ trồng lúa theo quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý đất trồng lúa; Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp... để hỗ trợ người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã thể hiện chính sách hỗ trợ sản xuất lúa chỉ đối với các diện tích lúa trong quy hoạch và thể hiện cụ thể như tại điểm đ khoản 2 Điều 5.

Về điều kiện sản xuất, mua bán phân bón (Điều 41, Điều 42), có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung quy định về điều kiện cơ sở sản xuất phân bón phải có kế hoạch bảo vệ môi trường vào khoản 2 Điều 41; điều kiện cơ sở mua bán phân bón phải đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy và có cam kết bảo vệ môi trường vào khoản 2 Điều 42. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, yêu cầu về kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết môi trường, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này.

Trong Luật Trồng trọt chỉ quy định những điều kiện thiết yếu đối với phân bón để cơ quan chuyên ngành có căn cứ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; còn khi đi vào hoạt động, các cơ sở sản xuất, mua bán phân bón phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Các nội dung này đã được thể hiện tại điểm i khoản 2 Điều 50 về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón; điểm h khoản 2 Điều 51 về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân mua bán phân bón. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động chăn nuôi

Luật Chăn nuôi đã được thông qua với 454/464 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 93,61%. Luật quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi với 8 chương, 83 điều.

Liên quan đến nguyên tắc hoạt động chăn nuôi, Luật Chăn nuôi quy định, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của thế giới; kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái.

[Luật Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi công nghiệp, chuỗi khép kín]

Các nguyên tắc tiếp theo là: Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi; bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trong chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi, Luật quy định: Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Trước khi vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cửa khẩu theo quy định, vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra về văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất, kinh doanh vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi tại nước xuất xứ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp: Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau; nhập khẩu lần đầu từ nước xuất xứ; phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của sản phẩm chăn nuôi.

Trường hợp sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, cung cấp tại nước xuất xứ trước khi cho phép nhập khẩu. Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vi phạm pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh phải được thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 3 điều này; việc nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm, cửa khẩu được phép tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục