Quốc hội cần đảm bảo chất lượng, không cần nhiều

Theo ông Uông Chu Lưu, Quốc hội không cần nhiều về số lượng mà cần đảm bảo chất lượng, Quốc hội phải thực sự phải là cơ quan tiêu biểu.
Ngày 23/2 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thảo luận và thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; cơ cấu, thành phần, số lượng người của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Đề án bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các đoàn thể nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm xây dựng từ tháng 3/2010, dựa trên kết quả tổng kết kinh nghiệm hoạt động của các khóa Quốc hội trước.

Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng cần nghiên cứu, tiếp thu, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định sau cuộc họp này sẽ báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến trả lời chính thức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, số lượng đại biểu Quốc hội chỉ nên giữ ở con số 500 đại biểu như các khóa trước cho dù dân số cả nước đã tăng nhiều, tính chất, mức độ công việc, vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần quyết định cũng có khác so với trước.

Tuy nhiên, Quốc hội không cần nhiều về số lượng mà cần đảm bảo chất lượng, Quốc hội phải thực sự phải là cơ quan tiêu biểu. Quá trình hoạt động cũng cho thấy hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đại biểu Quốc hội trong thực thi các nhiệm vụ.

Như vậy, số lượng đại biểu cần có cơ cấu hợp lý nhưng phải dựa trên tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà bỏ quên hoặc xem nhẹ tiêu chuẩn, cần kết hợp rất chặt chẽ giữa cơ cấu và tiêu chuẩn để đảm bảo bầu ra những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội khóa XIII.

Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với ý kiến góp ý vào việc phân bổ số lượng đại biểu và cho rằng, để phân bổ số lượng đại biểu cho hợp lý, quy trình lựa chọn hiệp thương là rất quan trọng, nếu không làm tốt quy trình này thì dù giới thiệu được đủ số lượng đại biểu nhưng chất lượng cũng sẽ không đảm bảo.

Trước ý kiến của các đại biểu về cơ cấu dự kiến phân bổ các cơ quan chia thành 3 khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận - đoàn thể, đề nghị giảm số đại biểu ở khối Nhà nước, khối Chính phủ, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết việc này đã được bàn từ các khóa trước và đã thực hiện giảm dần số lượng đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp.

Trước đây, phần lớn các Bộ trưởng là đại biểu Quốc hội, đến khóa XII thì không phải tất cả, kể cả Thường trực Chính phủ. Lần này, dự kiến trong khối Chính phủ có 15 đại biểu, trong khi có tới 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Lý giải việc Chính phủ vẫn phải có thành viên tham gia vào Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện tại, Quốc hội Việt Nam vẫn chưa phải là Quốc hội chuyên trách. Chính phủ, cơ quan hành pháp có vai trò quan trọng trong đề ra các chủ trương, đường lối về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại với tư cách là cơ quan quản lý đại diện các lĩnh vực của đất nước. Do vậy, sự tham gia của Chính phủ vào Quốc hội là cần thiết. Các ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng đại biểu sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về ý kiến đề nghị bớt số lượng của các cơ quan tư pháp ở địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có một số lượng nhất định của các cơ quan này tham gia bởi khi “chúng ta ban hành pháp luật nhưng việc áp dụng pháp luật vào cuộc sống có thực hiện được hay không còn có nhiều vấn đề phải tính đến, do vậy cần có đại diện các cơ quan trong hệ thống chính trị tham gia vào đó. Vì vậy cần cân nhắc có thể bớt.”

Về tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng, tỷ lệ đại biểu doanh nghiệp, đại biểu nữ, Phó Chủ tịch cho rằng các ý kiến tham gia là rất xác đáng, tuy nhiên nếu chỉ đặt ra tỷ lệ mà không có cách làm tốt, hiệu quả sẽ không cao.

Về việc Việt kiều tham gia đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp lần này cũng đã đặt ra nhưng chủ yếu liên quan đến tổ chức, thủ tục, trình tự phục vụ cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong một ngày, chưa bàn đến các vấn đề cơ bản như về tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu... vì vậy đã thống nhất để sửa một cách cơ bản sau này.

Ngoài ra, Luật bầu cử hiện hành quy định đại biểu Quốc hội phải dành ít nhất 1/3 thời gian để bảo đảm các hoạt động Quốc hội trong đó có 2 kỳ họp/năm, trước, sau kỳ họp có tiếp xúc cử tri...

Bà con Việt kiều chưa có đủ điều kiện về thời gian, cử tri cũng chưa có cơ chế giám sát hoạt động của đại biểu Việt kiều. Vì vậy, lần này chưa đưa ra mà chờ sửa đổi Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội mới bàn được...

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định tất cả ý kiến của đại biểu tại hội nghị sẽ được tiếp thu để báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc giải quyết.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu một số nội dung chủ yếu và những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Hội đồng Nhân dân; dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII; dự kiến về cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Các đại biểu thảo luận tập trung vào các nội dung về chất lượng đại biểu, đề nghị tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số, tăng tỷ lệ người ngoài Đảng, giảm khối hành pháp ở Trung ương và tư pháp ở địa phương...

Các đại biểu cũng bày tỏ mối quan tâm đến cơ cấu nữ và đại biểu khối kinh tế, đại biểu là Việt kiều, cũng như việc làm thế nào để đối mới hoạt động kỳ họp Quốc hội cho sát thực tế…

Một số đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ người ngoài Đảng lên 20%; tăng thêm số lượng đại biểu, số lượng thành phần các dân tộc vì đây là vấn đề có ý nghĩa chính trị rất lớn. Các đại biểu đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách để hướng tới tính chuyên nghiệp cho Quốc hội; cần có sự bình đẳng giữa người được giới thiệu và tự ứng cử...

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tăng đại biểu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hơn con số 31 như hiện tại. Ngoài ra nên tăng tỷ lệ người ngoài Đảng lên 20%, điều này sẽ làm cho không khí dân chủ trong dân, trong Đảng sẽ ngày càng tăng lên.

Ông Túc cũng cho rằng nên tìm người đủ năng lực, đủ điều kiện để ứng cử. Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước sự giới thiệu đại biểu của mình.

Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam nhấn mạnh đến trình độ của các đại biểu Quốc hội. Ông Dũng cho rằng Quốc hội cần thống kê tiêu chí trình độ đại biểu Quốc hội. Chỉ tiêu về phân bổ lấy theo dân số là được nhưng không nên dàn trải theo tỉnh, thành và dân số bởi Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu một tỉnh đông dân số, số lượng đại biểu sẽ rất đông, khi cho ý kiến vào một vấn đề nào đó sẽ mất đi tính đại diện...

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng không nên phân biệt cơ cấu người ngoài Đảng, trong Đảng, cứ là người tài, đại diện cho dân là được và quan trọng là người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ngoài các tiêu chí đề ra cần phải có thời gian vì mỗi kỳ họp Quốc hội kéo dài hơn 1 tháng, mỗi năm họp 2 lần. “Không nên tham gia nếu không làm tròn trách nhiệm người đại biểu nhân dân,” ông Thắng nhấn mạnh.

Ngoài ra, không nên cơ cấu nhiều đại biểu đang làm ở các cơ quan hành pháp. Mỗi địa phương chỉ nên cơ cấu 1 đại diện trong Thường vụ Tỉnh, thành ủy tham gia đại biểu Quốc hội, để các thành viên khác điều hành công việc ở địa phương...

Theo Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên, dự kiến số lượng đại biểu Trung ương và địa phương là 500 đại biểu, trong đó đại biểu Trung ương là 183 đại biểu và địa phương là 317 đại biểu. Khối Đảng là 34 đại biểu, trong đó Trung ương 11 đại biểu, địa phương có 23 đại biểu (4,6%).

Quốc hội và Hội đồng Nhân dân 196 đại biểu; số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan Quốc hội là 100 đại biểu; Đại biểu chuyên trách ở đoàn đại biểu Quốc hội 65 đại biểu, Hội đồng Nhân dân 31 đại biểu. Cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu.

Chính phủ và Ủy ban Nhân dân 29 đại biểu, trong đó Trung ương 20 đại biểu, địa phương 9 đại biểu. Khối lực lượng vũ trang, Quân đội 32 đại biểu, trong đó Trung ương 14 đại biểu và địa phương 18 đại biểu. Công an 14 đại biểu, trong đó Trung ương 2 đại biểu, địa phương 12 đại biểu. Khối cơ quan Tư pháp 17 đại biểu.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 82 đại biểu, trong đó Trung ương 31 đại biểu, địa phương 51 đại biểu.

Số đại biểu kết hợp Trung ương và địa phương, đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số 90 đại biểu, đại biểu nữ 150 đại biểu, đại biểu ngoài Đảng 10-15%, đại biểu trẻ dưới 40 tuổi khoảng 70 đại biểu, số đại biểu khóa XII tái cử 160 đại biểu.
Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục