Quốc hội Kenya thông qua việc triển khai quân tới CHDC Congo

Quốc hội Kenya đã thông qua việc triển khai 903 binh sỹ tới Cộng hòa Dân chủ Congo, như một phần của lực lượng khu vực Đông Phi nhằm ổn định tình hình miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo.
Quốc hội Kenya thông qua việc triển khai quân tới CHDC Congo ảnh 1Binh sỹ Kenya được điều động tới CHDC Congo, tại Nairobi ngày 2/11. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 10/11, Quốc hội Kenya đã thông qua việc triển khai 903 binh sỹ tới Cộng hòa Dân chủ Congo, như một phần của lực lượng khu vực Đông Phi nhằm ổn định tình hình miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, vốn đang bất ổn do hoạt động của nhiều nhóm vũ trang, trong đó có phong trào M23. 

Chủ tịch Ủy ban quốc phòng, tình báo và đối ngoại thuộc Quốc hội Kenya Nelson Koech nhấn mạnh việc triển khai quân đội Kenya tại Cộng hòa Dân chủ Congo là vì lợi ích hòa bình trong khu vực, cũng như của chính Kenya.

Chi phí của việc triển khai sứ mệnh trong 6 tháng đầu tiên ước tính vào khoảng 36,5 triệu euro. Hiện Kenya đang thảo luận với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm sự tài trợ cho việc này.

[EAC: Tiến trình hòa bình ở miền Đông CHDC Congo đang đi đúng hướng]

Tuần trước, Tổng thống Kenya William Ruto đã công bố việc điều động binh sỹ Kenya tham gia lực lượng, được 7 quốc gia thuộc Cộng đồng Các quốc gia Đông Phi (EAC) thành lập hồi tháng 6, nhằm ổn định miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo - vốn chìm trong bạo lực trong gần 30 năm qua. 

M23 là nhóm vũ trang hoạt động tại miền Đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, chủ yếu ở tỉnh Bắc Kivu.

M23 lần đầu tiên nổi lên vào năm 2012 khi nhóm này chiếm được tỉnh Goma trong một thời gian ngắn trước khi bị đánh bại trong cuộc tấn công phối hợp giữa các binh sỹ Liên hợp quốc và Cộng hòa Dân chủ Congo.

M23 đã bị đánh bật khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo sau khi nhóm này phát động cuộc nổi loạn trong 2 năm 2012 và 2013. Sau khi buộc phải rút chạy khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, các phần tử M23 đã chạy sang lãnh thổ Rwanda và Uganda.

Sau nhiều năm yên ắng, M23 tiếp tục hoạt động vũ trang trở lại vào cuối năm 2021. Kể từ đó, M23 đã chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở tỉnh Bắc Kivu, gây mất ổn định ở khu vực Trung Phi.

Theo Liên hợp quốc, ít nhất 188.000 người đã phải bỏ nhà cửa để đi lánh nạn, trong đó có ít nhất 16.500 người đã tị nạn ở Uganda./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục