Quốc hội khóa XII đã ghi dấu ấn trong lòng cử tri

Một trong những dấu ấn của Quốc hội khóa XII được cử tri ghi nhận là hoạt động chất vấn được tiến hành sôi nổi và rất thẳng thắn.
Trong suốt 9 kỳ họp của Quốc hội khóa XII xuyên qua nhiệm kỳ 4 năm từ 2007-2011, tất cả những phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp luôn thu hút được sự quan tâm theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên, Quốc hội triển khai thực hiện việc chất vấn trên hội trường theo từng nhóm vấn đề cụ thể.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng thì điểm sáng của Quốc hội khóa XII chính là bầu không khí sôi nổi trên nghị trường khi các đại biểu tiến hành đối thoại, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, không né tránh nhằm làm sáng tỏ những vấn đề nổi cộm của đất nước.

Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh ngày càng cao

Ông Vinh khẳng định, Quốc hội khóa XII đã "ghi điểm" trong lòng cử tri cả nước bởi sự sáng suốt, bản lĩnh khi đưa ra những quyết định quan trọng như việc chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam và một số lĩnh vực khác khi đất nước chưa hội tụ đủ những điều kiện triển khai thực hiện.

Đây cũng là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn, đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, tạo phong cách làm việc mới, khiến hoạt động chất vấn trên nghị trường hiệu quả hơn.

Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã mạnh dạn, thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực bộ, ngành mình phụ trách, nêu ra được nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh về kinh tế-xã hội trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp.

Nhìn tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động.

"Về hoạt động lập pháp, Quốc hội khóa XII đã dành 50% quỹ thời gian để tập trung thảo luận, thông qua các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tính cụ thể của luật ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiều cuộc giám sát chuyên đề với nội dung tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội được nhân dân và cử tri đánh giá tốt. Các đoàn giám sát đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong hoạt động của mình," ông Vinh nói.

Không né tránh những vấn đề "nóng" của đất nước

Để có được những quyết sách đúng đắn về những chủ trương lớn của đất nước như quyết định các dự án Thuỷ điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận, mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội… các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình khi "đăng đàn" nêu ra những ý kiến tâm huyết, giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm điều kiện để thẩm tra, chỉnh sửa trước khi bắt tay vào triển khai thực hiện.

Một ví dụ cụ thể, tại kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XII đã thảo luận kỹ và đi đến quyết định chưa thông qua Dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam cũng là một quyết định thể hiện trách nhiệm rất cao của Quốc hội.

Bà Trần Thị Định, tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy khẳng định: tôi nhận thấy, mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ, rộng ra là mối quan hệ giữa các thành viên trong hệ thống chính trị thể hiện qua sự phân công, phối hợp ngày càng rõ hơn, hiệu quả hơn.

"Quốc hội giám sát Chính phủ nhưng cũng thể hiện trách nhiệm và sự chia sẻ của mình, không đứng ngoài cuộc để "phán" mà các thảo luận ở Quốc hội đều trăn trở tìm ra cách thức và giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển," bà Định cho hay.

Kỳ vọng nhiều hơn vào Quốc hội khóa tới

Rất nhiều cử tri đã bày tỏ mong muốn Quốc hội khóa XIII sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, tham gia tích cực, hiệu quả và có tiếng nói quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Đình Tuyến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Trung Hòa bày tỏ: muốn nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mỗi đại biểu Quốc hội cần tự vấn, mình đã làm được gì, chưa làm được gì cho công việc chung để từ đó có hướng khắc phục nếu được cử tri tín nhiệm và tiếp tục tái cử trong nhiệm kỳ tới.

"Hiện giờ, Quốc hội khóa XII đang có Ban Dân nguyện. Tôi mong Quốc hội khóa XIII sẽ thành lập được Ủy ban Dân nguyện để có điều kiện tham gia tích cực hơn vào việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri," cử tri Vũ Văn Thành, cựu giáo chức trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói.

Theo đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), để nâng cao chất lượng hoạt động, cần xác định rõ hơn vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của các đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời tán thành chủ trương tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Xác định rõ địa vị pháp lý của các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để họ được tiếp cận thông tin thuận lợi. Chỉ có như vậy, tính chuyên nghiệp của hoạt động Quốc hội mới thực sự hiệu quả, đây là điều mà đại biểu Trần Ngọc Vinh kỳ vọng.

"Để động viên và đánh giá đúng mức đối với các vị đại biểu Quốc hội tham dự đầy đủ các cuộc họp, phát biểu tích cực, sâu sắc, tham gia có hiệu quả trong các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, theo tôi cũng cần có hình thức khen thưởng thỏa đáng để động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân," ông Vinh đề xuất./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục