Quốc hội Libya ngừng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình

Ngày 23/2, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã ngừng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian.
Quốc hội Libya ngừng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ảnh 1Nhân viên an ninh điều tra tại hiện trường vụ đánh bom ở Libya. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 23/2, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã ngừng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian.

Nghị sỹ Issa al-Aribi thông báo Quốc hội đã bỏ phiếu nhất trí ngừng tham gia cuộc đối thoại với các phe phái đối lập trong cuộc nội chiến tại Libya hiện nay.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán mới sẽ diễn ra tại Maroc vào ngày 26/2 tới.

Hãng thông tấn LANA của Libya xác nhận thông tin trên và cho biết nguyên nhân là do vụ tấn công khủng bố của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi tuần trước tại Al-Qoba (miền Đông) làm hàng chục người thương vong.

LANA cũng cáo buộc các phe phái đối lập làm lây lan "bạo lực, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan."

Trong khi đó, theo một nghị sỹ giấu tên, quyết định rời khỏi bàn đàm phán của Quốc hội Libya là vì lo ngại cộng đồng quốc tế sẽ gây sức ép để thành lập một chính phủ liên hiệp trong tương lai, với sự tham gia của người Hồi giáo.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái đối lập ở Libya. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn.

Cuộc xung đột tại Libya gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, làm ít nhất 120.000 người phải rời bỏ chỗ ở, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn MENA của Ai Cập đưa tin gần 15.000 người Ai Cập đã rời Libya qua cửa khẩu Sallum (Tây Bắc Ai Cập).

Trong khi đó, rất nhiều người Ai Cập cũng đã từ Libya sang Tunisia (giáp Libya ở phía Tây Bắc) để chờ về nước.

Người phát ngôn Bộ Giao thông Tunisia cho biết ít nhất 1.000 người Ai Cập rời Libya sang Tunisia đã được máy bay của Ai Cập đưa về nước từ ngày 20/2.

Theo một quan chức Hải quan Tunisia, hiện một số lượng chưa xác định người Ai Cập đang ở phía bên kia biên giới Libya chờ được vào Tunisia để về nước.

Trước đó, Cairo đã kêu gọi công dân Ai Cập đang làm việc lại Libya về nước sau vụ các tay súng IS phát băng hình hành quyết 21 người Cơ đốc giáo Ai Cập làm việc tại Libya hôm 15/2.

Sau vụ việc này, Ai Cập cũng đã tiến hành một loạt cuộc không kích vào các mục tiêu của IS tại Libya để trả đũa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục