Quốc hội nghe trình bày ba dự án luật quan trọng

Các đại biểu Quốc hội đã nghe trình 3 Dự án Luật: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Trọng tài thương mại; Thi hành án hình sự.
Chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình 3 Dự án Luật: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Trọng tài thương mại; Thi hành án hình sự.

Khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả


Tờ trình của Chính phủ về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu rõ, các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chỉ mới được quy định tại Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 3/9/2003 của Chính phủ về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Sau sáu năm thi hành Nghị định, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng đã bộc lộ không ít bất cập, đó là hiệu lực pháp lý của văn bản chưa cao; các biện pháp đề ra chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa có chế tài đủ mạnh; các thể chế tài chính chưa được hình thành để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo Luật quy định nguyên tắc để điều chỉnh các đối tượng sử dụng năng lượng, phối hợp đồng bộ giữa biện pháp tuyên truyền, khuyến khích và quản lý bắt buộc, đặc biệt đối với các đối tượng sử dụng nhiều năng lượng.

Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các biện pháp quản lý và công nghệ được quy định trong Luật, khuyến khích các đối tượng khác trong toàn xã hội thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật và đánh giá sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị để Luật có tính khả thi cao, cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; quy trình và thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó.

Mở rộng hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại

Tờ trình Dự án Luật Trọng tài thương mại của Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, nhu cầu giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm bí mật cho các bên tranh chấp đã làm nảy sinh nhu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật Trọng tài thương mại thương mại.

Luật Trọng tài thương mại xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh và thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay và dự báo trong thời gian tới khi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng mở rộng; áp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm hơn nữa quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá Dự án Luật đã nhất trí với loại ý kiến thứ nhất của Ban soạn thảo quy định giới hạn phạm vi bao gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, cũng như những trường hợp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được các luật khác điều chỉnh.

Thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự

Cũng trong buổi chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh về Dự án Luật Thi hành án hình sự.

Báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật Thi hành án hình sự đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật cần xác định bao gồm hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án hình sự; trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về các hình phạt chính và hình phạt bổ sung; thi hành án treo; quyền và nghĩa vụ của người phải chấp hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án hình sự.

Ủy ban Tư pháp đề nghị phân biệt rõ từng cơ quan thi hành hình phạt về tên gọi cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này, mối quan hệ giữa cơ quan thi hành hình phạt với cơ quan quản lý thi hành hình phạt, bảo đảm sự chặt chẽ và tính khả thi của dự thảo Luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục