Quốc hội: Nhiều ý kiến nhất trí mở rộng đối tượng kê khai tài sản

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản và thu nhập.
Quốc hội: Nhiều ý kiến nhất trí mở rộng đối tượng kê khai tài sản ảnh 1Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thực hiện chương trình làm việc, chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề về hoàn thiện dự thảo Luật.

Nhiều ý kiến nhất trí việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản

Tại phiên họp, nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng. Dự thảo Luật đã quy định nội dung này thành một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác. Theo đó, Chính phủ trình hai phương án: Phương án 1 là mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch. Phương án 2 là thu hẹp lại, chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở Trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

[Ý kiến trái chiều về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước]

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lê Thị Thủy (Hải Dương) cho rằng, Đảng, Nhà nước đã có quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, việc kê khai, minh bạch tài sản đã dần đi vào nền nếp. Các cơ quan thẩm quyền đã có những thông tin thống kê về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Do đó, vấn đề đặt ra là nghiên cứu, bổ sung các quy định về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo cho việc kê khai tài sản trung thực, khách quan; nêu cao được tính tự giác, trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai; hạn chế dần tính hình thức, để việc kê khai đi vào thực chất hơn.

Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập, đại biểu Lê Thị Thủy ủng hộ việc tăng cường tính tập trung, từng bước thống nhất đầu mối quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập, mở rộng việc tiến hành, xác minh tài sản, thu nhập; tăng cường trách nhiệm giải trình tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.

Nhất trí với các ý kiến của nhiều đại biểu về khả năng tham nhũng không phụ thuộc vào hệ số chức vụ, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) nhất trí với phương án tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản.

"Vấn đề đặt ra là chúng ta xử lý với bản kê khai như thế nào. Trường hợp nào sẽ xác minh, trường hợp nào sẽ công khai ở cơ quan, địa phương và rộng hơn. Tôi cho rằng, việc kê khai này rất tốt cho việc quản lý công chức, viên chức. Còn việc công khai, tôi đề xuất là phải phân hóa rõ các nhóm đối tượng kê khai, quy định rõ những trường hợp cụ thể" - đại biểu nêu ý kiến.

Kê khai tài sản còn hạn chế không phải do diện kê khai rộng

Quốc hội: Nhiều ý kiến nhất trí mở rộng đối tượng kê khai tài sản ảnh 2Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 21/11. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng. Phương án này còn xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi từ chính các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính. Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng quy định áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

"Do đó, trước mắt là phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chọn các loại hình doanh nghiệp có nguy cơ cao phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó bắt buộc một số chủ thể phải áp dụng biện pháp phòng chống tham nhũng" - Tổng Thanh tra cho biết.

Qua rà soát cho thấy, các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Tài chính... ở mức độ nhất định đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý điều hành, nhưng chưa rõ và đầy đủ. Vì vậy cần đưa vào phạm vi điều chỉnh để áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài Nhà nước.

"Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên nội dung cụ thể các quy định này còn có nhiều ý kiến về thu hẹp phạm vi, thẩm quyền thanh tra, phát hiện hành vi tham nhũng, sự thống nhất giữa các luật; các chế định từng bước phù hợp, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh... Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc lựa chọn phương án, đảm bảo tính khả thi để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng" - Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Về công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, thực tế công tác này còn hạn chế không phải do diện kê khai rộng mà do không quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được sự biến động và xác minh tài sản, thu nhập. Do vậy, dự thảo Luật quy định các cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết, nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục