"Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm"

  1. Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát hàng năm.
Sáng 16/11, thảo luận về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát hàng năm.

Phân định rhức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong dự thảo Luật

Về phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ (Điều 5), nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo Luật "Quốc hội quyết định mức lạm phát định hướng từng thời kỳ".

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đánh giá nội dung này được quy định chung chung trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị Quốc hội quyết định vấn đề gì phải quy định cụ thể trong Luật.

Ý kiến của đa số các đại biểu đánh giá việc phân định chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội như dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.

Quốc hội “quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia” và “quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Trong khi lạm phát là một chỉ tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng, có tính chất tổng quát, vĩ mô và ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu cụ thể khác của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như các chính sách kinh tế lớn (lãi suất, tiền lương...).

Từ những phân tích cụ thể này các đại biểu, Lê Văn Cuông, Trần Đình Long (Đắk Lắk), Vũ Hồng Anh (Hà Nội)... đề nghị dự thảo Luật quy định Quốc hội cần quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm.

Nhiều ý kiến phát biểu tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Chính phủ quyết định chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và khung lãi suất, tỷ giá để chỉ đạo việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội đã quyết định.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất trình Chính phủ quy định: khung lãi suất, khung tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán; quyết định mức lãi suất, tỷ giá cụ thể trong khung do Chính phủ quy định cho từng thời kỳ và chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác.

Cân nhắc quy định quản lý hoạt động bảo hiểm tiền gửi

Dự thảo Luật quy định Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi (khoản 3 Điều 2); thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại tổ chức bảo hiểm tiền gửi (khoản 11 Điều 6).

Về nội dung này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) phân tích bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính đặc biệt do Chính phủ thành lập để bảo vệ quyền lợi người gửi. Liên quan tới việc đảm bảo tính minh bạch của ngân hàng thì bảo hiểm tiền gửi cần phải hoạt động độc lập, không thể phụ thuộc vào ngân hàng - đại biểu khẳng định.

Cùng với quan điểm này, đại biểu Lê Văn Cuông còn nêu thêm một lập luận khác đó là sau gần 10 năm thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đến nay chưa có đánh giá tổng kết về ưu, nhược điểm của mô hình tổ chức và hoạt động của bảo hiểm tiền gửi hiện nay. Vì vậy, chưa có cơ sở chắc chắn để quyết định về vị trí pháp lý của Bảo hiểm tiền gửi là thuộc hay không thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII có đề cập đến việc xây dựng dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Qua việc xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ xác định vị trí pháp lý của bảo hiểm tiền gửi.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo, Lê Văn Cuông và nhiều ý kiến khác cùng quan điểm đề nghị chưa nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Băn khoăn bỏ quy định lãi suất cơ bản

Thảo luận về lãi suất cơ bản, Điều 15 dự thảo Luật quy định: “1. Ngân hàng Nhà nước xác định, công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

"2. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với các khách hàng theo quy định của Luật này và Luật các tổ chức tín dụng”, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Lê Văn Cuông và rất nhiều ý kiến khác đề nghị Ban soạn thảo giải trình, làm rõ lý do vì sao lại đưa nội dung lãi suất cơ bản ra khỏi dự thảo luật."

Đại biểu Lê Thị Nga phân tích "việc đưa quy định lãi suất cơ bản ra khỏi dự thảo luật sẽ làm Nhà nước mất vai trò định hướng thị trường lãi suất, có thể dẫn đến các cuộc chạy đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gây rối loạn thị trường, đẩy người dân và doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, góp phần làm mất giá đồng Việt Nam".

Việc không quy định lãi suất cơ bản còn gây hệ quả không kiểm soát được tình trạng cho vay nặng lãi của các tổ chức tín dụng và vay lãi nặng trong dân cư. Đại biểu đề nghị Chính phủ phải làm rõ việc bỏ quy định lãi suất cơ bản ra khỏi dự thảo luật sẽ được gì và mất gì, kinh nghiệm của thế giới về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục