Quốc hội thảo luận dự thảo Luật giáo dục đại học

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung dự thảo Luật giáo dục đại học, dự kiến được thông qua tại kỳ họp này.
Tiếp tục ngày làm việc thứ 5, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 25/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục đại học.

Theo chương trình, Luật giáo dục đại học sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục đại học do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày đã nêu lên những nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo Luật giáo dục đại học bao gồm mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; vấn đề xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và một số vấn đề khác.

Thảo luận về nội dung dự thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết, quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật giáo dục đại học. Các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ thông qua dự thảo luận Giáo dục đại học tại kỳ họp này.

Tán thành với nội dung thành lập Hội đồng trường, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhấn mạnh Hội đồng trường là một thiết chế không thể thiếu trong giáo dục công lập.

Việc thành lập hội đồng trường chính là nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Các quy định này phù hợp, rõ ràng sẽ giúp cho Hội đồng trường hoạt động nề nếp, đồng thời giúp cho hoạt động của hệ thống giáo dục được lành mạnh, công khai, có tính tự chủ cao và chịu trách nhiệm trước xã hội.

Tuy nhiêu để mô hình này hoạt động hiệu quả, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định chi tiết và tổ chức hướng dẫn thực hiện, gắn chức năng, quyền hạn với quyền lợi đối với từng đối tượng trong hội đồng, tránh hoạt động hình thức, thiếu hiệu quả.

Thảo luận về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) tán thành với giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay.

Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật và được quy định bằng các quy phạm pháp luật cụ thể tại các điều, khoản cụ thể của Luật này. Đại biểu cho rằng nếu xem xét quyền tự chủ như một phần thưởng, thị trường nào tốt mới trao quyền tự chủ, trường nào làm không tốt thì cắt quyền tự chủ.

Xung quanh nội dung quy định trình độ của giảng viên phải cao hơn một cấp so với trình độ mà giảng viên tham gia đào tạo, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoan bởi đối với các địa phương, vùng sâu, vùng xa, các trường văn hóa, nghệ thuật của các tỉnh… quy định này trên thực tế là khó thực hiện được.

Về nội dung xã hội hóa giáo dục, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận, vì làm rõ được khái niệm này mới có những chính sách phù hợp với từng loại hình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ sự băn khoăn tại khoản 7, Điều 4 quy định: “ Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ ”.

Tại Điều 16 về hội đồng quản trị quy định: “ Hội đồng quản trị được thành lập ở trường cao đẳng, trường đại học tư thục ; Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông …”

Đại biểu đánh giá điều khoản của Luật đang duy trì sự không rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận, kéo dài sự ưu đãi của nhà nước và đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc làm rõ vấn đề này.

Bản về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc nhưng cần có lộ trình thực hiện và bổ sung nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) nhấn mạnh đây là một vấn đề mới của luật giáo dục đại học. Dự thảo đã có hẳn 1 chương ( chương 7) quy định về kiểm định chất lượng.

Tuy nhiên để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học thực hiện tốt hơn, có cơ sở pháp lý, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định thêm 1 điều về cơ sở pháp lý, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng.

Cuối phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã giải đáp thấu đáo một số nội dung cụ thể các đại biểu Quốc hội trao đổi tại phiên thảo luận, làm rõ hơn sự cần thiết bàn hành Luật giáo dục đại học.

Theo Chương trình, buổi chiều các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi)./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục